Doanh nghiệp không phá sản nhờ khoanh nợ kịp thời

Đó là chia sẻ của ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đắk Lắk tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk mới đây. Nhờ sự vào cuộc tích cực của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp đã cầm cự được trong giai đoạn khó khăn nhất của dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su ở Đắk Lắk mong muốn được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi vì lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su ở Đắk Lắk mong muốn được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi vì lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn

Ngân hàng vào cuộc nhanh chóng

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh Đắk Lắk, ông Dương Thanh Tương cho biết, tỉnh này có tổng số 8.600 DN đang hoạt động, chủ yếu DN nhỏ và vừa, thiếu kinh nghiệm. Số DN ngừng hoạt động là trên 532 DN, chủ yếu DN thương mại, dịch vụ, du lịch... Tuy nhiên, số DN thành lập mới là 732 DN, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng, xây dựng…

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn hiện có 48 ngân hàng (NH), với 220 điểm giao dịch, mạng lưới hoạt động NH đã phủ khắp 15 huyện, thị, thành phố của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tỉnh, đặc biệt là người dân ở vùng nông nghiệp nông thôn có điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ đề ra.

“Hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay; giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với mức lãi suất trước khi có dịch. Bên cạnh đó, các TCTD còn xây dựng kịch bản kinh doanh chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể, đảm bảo hoạt động kinh doanh của đơn vị được duy trì thông suốt, phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ và địa phương…” – ông Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đắk Lắk nói.

Theo ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hội DN trẻ Đắk Lắk, hiện Hội DN trẻ Đắk Lắk có có 65 thành viên, mặc dù nhiều DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng nhờ được NH khoanh nợ, giãn nợ 100% thành viên không có DN nào bị phá sản.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Tuấn Hà cũng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, triển khai sớm các hướng dẫn của NHNN. “NHNN và hệ thống NH thương mại tại Đắk Lắk đã triển khai ngay các nội dung Thông tư 01, Chỉ thị 02 thông qua các buổi làm việc trực tiếp tới các DN trên địa bàn. Việc thực hiện các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đã hỗ trợ thiết thực cho DN…” - ông Hà khẳng định.

Cần rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ vay vốn

Cám ơn BIDV đã giảm lãi suất xuống còn 8,2%, cho món vay đến hạn trên 45 tỷ đồng được cơ cấu lại, thời gian trả nợ kéo dài thêm 9 tháng; Vietinbank cho vay ưu đãi lãi suất 8%…, song ông Bùi Quang Ninh – Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk cho biết, DN vẫn chưa hết khó khăn do trên thế giới, dịch vẫn diễn biến phức tạp, trong khi sản phẩm của DN chủ yếu là xuất khẩu.

DN này đề nghị NHNN có hướng dẫn cụ thể hơn Thông tư 01, cũng như hướng dẫn tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, các NH thương mại hướng dẫn cụ thể hơn. DN này cũng mạnh dạn đề nghị NH xem xét cho vay vốn dự án tái canh cây cao su, nới lỏng điều kiện tín dụng cho dự án…

Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư du lịch và Thương mại Đam San cho rằng, việc giảm lãi suất của các NH vừa qua cũng đã là tối đa bởi NH cùng huy động vốn từ dân. Tuy nhiên, DN này bày tỏ mong muốn lĩnh vực giáo dục, du lịch cũng cần được khoanh nợ, giãn nợ, thời gian giảm lãi cần được xem xét dài hơn vì khó khăn vẫn còn kéo dài…

Đồng tình với việc không nên giảm lãi suất thêm, Chủ tịch Hội DN trẻ Đắk Lắk cho rằng: “NH cũng là DN. Giai đoạn này vốn vay lãi suất thấp, hoặc dễ quá cũng dễ bị chủ quan trong đánh giá đầu tư dẫn đến thua lỗ. Chúng tôi mong muốn các NH nâng cao việc thẩm định vay vốn, một số DN rất có nhu cầu vay nhưng không có tài sản đảm bảo không vay được vốn…

Một số ý kiến khác đề nghị NH cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. “Thực tế đã có những bước xử lý nhanh, nhất là các DN quen đã làm thì thủ tục đều đã được hỗ trợ rồi nhưng các DN mới cần có sự hỗ trợ để giải quyết các trở ngại này…” - đại diện Hiệp hội DN tỉnh này đề nghị.

Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, các TCTD ở tỉnh này đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 2 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,1 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho trên 9 nghìn khách hàng với dư nợ là gần 7 nghìn tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2020 cho gần 16 nghìn khách hàng, với doanh số cho vay gần 9.600 tỷ đồng.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ngan-hang/doanh-nghiep-khong-pha-san-nho-khoanh-no-kip-thoi-526977.html