Doanh nghiệp không mặn mà xây nhà cho công nhân

Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2016 cho thấy, trong số 2,7 triệu công nhân đang làm việc tại 344 KCN, KCX trên cả nước thì có hơn 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở

Nhà ở cho công nhân (CN) đang làm việc trong các KCX- KCN ở khu vực phía Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Còn lại, phần lớn CN đang phải ở, sinh hoạt trong những khu nhà trọ xập xệ, không có đầy đủ trang thiết bị cần thiết.

Công nhân bức xúc về nhà ở

Tại một hội thảo về giải pháp an cư cho CNLĐ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức mới đây tại TP HCM, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, hiện nay, tỉ lệ lao động nhập cư ở các KCN trên 50%. Một số địa phương có tỉ lệ lao động nhập cư cao như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70% tổng số lao động trong các KCN. Vì vậy, vấn đề xây dựng và đáp ứng nhu cầu về nhà ở khu vực này càng trở nên bức xúc.

Dự án nhà ở xã hội giá 100 triệu đồng dành cho công nhân tại tỉnh Bình Dương Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dự án nhà ở xã hội giá 100 triệu đồng dành cho công nhân tại tỉnh Bình Dương Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2016 cho thấy, trong số 2,7 triệu CN đang làm việc tại 344 KCN, KCX trên cả nước thì có hơn 1,2 triệu CN có nhu cầu về nhà ở, hơn 800.000 CN có nhu cầu về nhà trẻ và 1,4 triệu CN có nhu cầu về siêu thị và các công trình trạm y tế, nhà văn hóa, nhà thi đấu, sân thể thao, nơi vui chơi giải trí. Tuy nhiên, tại thời điểm khảo sát, nguồn cung về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các trạm y tế… cho CN tại khu vực này mới chỉ đáp ứng từ 5 - 10% nhu cầu thuê, mua và nhu cầu sử dụng dịch vụ, sinh hoạt. Còn lại, phần lớn CN đang phải ở trọ tại các nhà dân với điều kiện cơ sở vật chất và văn hóa thể thao còn thấp, ảnh hưởng sức khỏe, tác động đến năng suất lao động.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai trong cả nước, quy mô xây dựng khoảng 182.000 căn hộ. Tuy nhiên, hầu hết dự án này đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Thậm chí, có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại. Vì thế, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường đang rất hạn chế. Nói rõ hơn về thực trạng này, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho hay, theo báo cáo của các địa phương, riêng đối với dự án nhà ở cho CN hiện đã hoàn thành 100 dự án, quy mô 41.000 căn với tổng diện tích hơn 2 triệu m2, bố trí chỗ ở cho khoảng 330.000 người. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 73 dự án với khoảng 88.000 căn hộ, bố trí chỗ ở cho hơn 700.000 người. Kết quả đạt được so với nhu cầu của người lao động chỉ như "muối bỏ bể".

Rào cản tài chính

"Vấn đề khó khăn lớn nhất là vốn. Sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỉ đồng kết thúc nhưng ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở. Hiện nay, ngân sách Nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội" - ông Nguyễn Trọng Ninh thông tin thêm.

Câu chuyện tài chính thật sự là một rào cản đối với cả doanh nghiệp và người lao động. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội là cực kỳ bức thiết nhưng trên thực tế, với khả năng tài chính còn hạn chế, mức phí sinh hoạt đắt đỏ tại các đô thị khiến hầu hết CN không đủ khả năng để sở hữu một căn hộ với giá hơn 1 tỉ đồng. Cho dù CN có được vay vốn ngân hàng và trả góp hằng tháng nhưng khả năng để họ trả đều đặn hằng tháng cũng rất khó khăn.

Khu nhà ở dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Anh Tuấn

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp (DN) đầu tư bất động sản bày tỏ, DN rất tâm huyết, rất "nóng" nhưng khi bắt tay vào thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Ông Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và xây dựng Lê Thành - nêu thực tế, với thời gian triển khai và nguồn vốn như nhau, các DN đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại nhiều thuận lợi hơn và nhanh thu hồi vốn hơn so với dự án nhà ở xã hội. Cũng có nhiều doanh nghiệp tâm huyết xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động nhưng khi triển khai thì vướng đủ thứ. Các thủ tục quá rườm rà khiến từ khi xin giấy phép xây dựng đến khi triển khai mất đến 3 năm nên việc doanh nghiệp không mấy mặn mà với nhà ở xã hội là điều dễ hiểu.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho hay, thực hiện đề án đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các KCN, KCX, từ năm 2017 đến nay, mới có 23/50 địa phương giới thiệu địa điểm xây dựng và đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng. Trong đó, mới có 2 tỉnh là Hà Nam và Quảng Ngãi có quyết định giao đất chính thức cho Tổng LĐLĐ Việt Nam để triển khai dự án.

"Khó khăn lớn nhất của các địa phương khi triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn là phải có quỹ đất sạch từ 3-5 hécta để giao cho Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư khoảng 550 tỉ đồng để xây dựng. Do đó, địa phương nào được cấp ủy, chính quyền giao đất sạch, có hạ tầng điện, nước, giao thông đến tận chân công trình, có nhu cầu nhà ở, nhà trẻ, siêu thị… bức thiết thì Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ triển khai dự án trước. Ngược lại, địa phương nào chưa có đất sạch thì sẽ triển khai sau" - ông Phan Văn Anh nói.

BẢO CHƯƠNG (Báo Lao Động)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/doanh-nghiep-khong-man-ma-xay-nha-cho-cong-nhan-2019101110240029.htm