Doanh nghiệp khó đưa hàng vào siêu thị

Trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa 2017 diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh, các buổi trao đổi trực tiếp giữa hệ thống phân phối, thu mua tại thành phố với các nhà cung cấp trên cả nước, đã nêu ra nhiều khó khăn. Đáng lưu ý là nhiều doanh nghiệp than phiền về việc khó đưa hàng vào hệ thống siêu thị.

Bà Trần Thị Kim Nhung, Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Đông Thuận (tỉnh Đồng Nai), chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm cho rằng, chi phí vào siêu thị chiếm hơn 30% doanh thu bán hàng, trong khi tiến độ thanh toán chậm, thường kéo dài 40-60 ngày (hợp đồng ghi 30 ngày), gây khó khăn về vốn cho nhà sản xuất. Mặt khác, dù các hệ thống phân phối hiện đại đều có quy trình, điều kiện mua hàng khá rõ ràng nhưng mối quan hệ giữa hệ thống thu mua và người cung cấp vẫn không bình đẳng.

Ông Ngô Đức Sinh, Tổng Giám đốc Công ty Nông lâm sản Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), chuyên cung ứng mặt hàng măng các loại, cho rằng, việc đặt hàng cho cả chuỗi của siêu thị thường chỉ giao cho một người đảm nhiệm rất dễ nảy sinh tiêu cực. Còn ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Hương Quê (Đà Nẵng) phàn nàn, trên thực tế, người đứng đầu tại nhiều hệ thống phân phối rất cởi mở nhưng khi xuống đến nhân viên đã không đặt sự công bằng lên hàng đầu khi thu mua hàng.

Trong khi các nhà cung cấp phàn nàn thì hệ thống siêu thị cũng có “nỗi khổ” của mình. Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị này đang thực hiện ký kết, tiêu thụ sản phẩm với hơn 500 nhà cung cấp tại các tỉnh, thành trên cả nước. Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, Saigon Co.op đã chia sẻ, hướng dẫn nhà cung cấp sản xuất, sơ chế và đóng gói sản phẩm nhằm tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, theo Saigon Co.op, sự hợp tác này vẫn gặp trở ngại như một số đơn vị có sản phẩm chưa qua kiểm nghiệm định kỳ, chưa đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm,... Một số nông dân khi thị trường biến động đã không giữ giá sản phẩm khiến siêu thị bị ảnh hưởng, phải hỗ trợ, trợ giá cho họ để bảo đảm đủ hàng phục vụ người tiêu dùng…

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tốc độ tăng trưởng bán lẻ ước đạt bình quân trong giai đoạn 2016-2020 sẽ trên 8,5%/năm, tương đương quy mô thị trường bán lẻ đạt khoảng 750 nghìn tỷ đồng (trên 32 tỷ USD) vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ đạt tối thiểu trên 40%. Điều này đồng nghĩa, trong thời gian tới, thị trường bán lẻ thành phố còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp sản xuất các tỉnh, thành phố tham gia đầu tư, kinh doanh cùng các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh phân phối.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, đã nghe nhà cung cấp phản ánh rất nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm vào siêu thị. Trong đó có nhiều loại chi phí như: Quầy kệ, mở mã hàng, hoa hồng khác, khuyến mãi… Bà Trang khuyến cáo, các chi phí sẽ đưa vào sản phẩm khiến giá bán trong siêu thị tăng cao, nếu giá cao hơn ở chợ truyền thống thì người tiêu dùng sẽ chọn chợ truyền thống. Về thanh toán, các siêu thị phải cam kết thời gian rõ ràng. Thanh toán quá chậm là trở ngại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp ở các tỉnh.

Về phần các nhà cung cấp, bà Nguyễn Huỳnh Trang khuyến cáo cần tích cực trong tìm kiếm cơ hội làm ăn trên cơ sở có sự hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước với vai trò là trung gian, cầu nối...

Đặng Loan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Thuong-hieu-DN/885205/doanh-nghiep-kho-dua-hang-vao-sieu-thi