Doanh nghiệp khó 'chạm' tới

Giải ngân tốt gói hỗ trợ tín dụng 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để hỗ trợ người lao động có thu nhập; qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch Covid-19.

Đối với nhiều doanh nghiệp, việc giữ chân người lao động là rất quan trọng.

Đối với nhiều doanh nghiệp, việc giữ chân người lao động là rất quan trọng.

Tuy nhiên, những tiêu chí, điều kiện để được vay từ gói hỗ trợ này còn khá ngặt nghèo, khiến doanh nghiệp khó “chạm” tới.

Quy định điều kiện quá chặt

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ghi nhận phản ánh từ các doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may về việc tiếp cận gói tín dụng ưu đãi này, các DN đều cho rằng, các tiêu chuẩn, điều kiện để được vay còn quá khắt khe, do đó khiến DN không đủ tiêu chuẩn được vay.

Theo phân tích của ông Cẩm, một trong những điều kiện để được vay lãi suất 0% là DN phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động (NLĐ) trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên. Tuy nhiên, đây là một tiêu chí chưa hợp lý. Bởi lẽ, theo ông Cẩm, trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhiều DN chỉ thực hiện cắt giảm giờ làm hoặc bố trí NLĐ làm luân phiên chứ không cho NLĐ nghỉ việc, theo tinh thần DN và NLĐ cùng chia sẻ với nhau. “Đối với nhiều DN, đặc biệt là những DN sản xuất, việc giữ chân NLĐ là rất quan trọng, bởi để có một lao động lành nghề phải trải qua quá trình đào tạo, làm việc khá lâu dài. Do đó, nếu DN cho NLĐ nghỉ việc thì khi dịch bệnh lắng xuống, yêu cầu sản xuất tăng lên, thì DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển dụng lao động. Như vậy, nếu quy định DN phải đạt một tỷ lệ nhất định về số lượng NLĐ phải nghỉ việc, thì nhiều DN không đáp ứng được tiêu chí này” – ông Cẩm nhấn mạnh.

Theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0%/năm trả lương cho người lao động. Tiền đã có, ngân hàng đã sẵn sàng cho vay, nhưng cho đến giờ gói tín dụng 16.000 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được khoản vay nào.

Tương tự, điều kiện “DN đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho NLĐ, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho NLĐ ngừng việc” cũng là quá chặt. Ông Cẩm cho rằng, đối với các DN, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, DN cũng luôn nỗ lực tìm mọi cách xoay sở để giữ “cơ nghiệp” mà họ đã gây dựng nên. Do đó, dịch Covid-19 có thể khiến DN bị sụt giảm năng lực sản xuất, giảm doanh thu, song DN vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động, tức là DN vẫn có doanh thu nhất định và như vậy đồng nghĩa DN không thuộc đối tượng hỗ trợ. “Nếu quy định chung chung là DN đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương thì chẳng khác gì DN đó đã “chết”, mà nếu là DN đã “chết” thì DN cũng không cần vay trả lương nữa” – ông Cẩm nói.

Cần nới điều kiện cho vay đủ thông thoáng

Trước những bất cập về giải ngân gói 16.000 tỷ đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) - là đơn vị đầu mối tham mưu cho Thủ tướng ban hành Quyết định 15 đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ chỉ ra gói hỗ trợ này chưa thể triển khai do các tiêu chí, điều kiện đưa ra hết sức chặt chẽ và không có DN nào đáp ứng được. Do đó, tại dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 15 về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bộ này đề nghị sửa đổi nội dung Khoản 2 Điều 13 Quyết định 15 từ: “DN đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho NLĐ, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho NLĐ ngừng việc” thành “DN có doanh thu quý I/2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019”. Bộ LĐ-TBXH cho rằng, việc sửa đổi như vậy sẽ khắc phục các tiêu chí, điều kiện chưa thực sự phù hợp để tiếp tục hỗ trợ DN và NLĐ vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19.

Đánh giá cao nội dung sửa đổi tại dự thảo, ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, dự thảo sửa đổi theo hướng đã cụ thể hóa tiêu chí chung chung là “khó khăn về tài chính” thành “mức độ sụt giảm doanh thu” với con số định lượng cụ thể, sẽ giúp DN dễ dàng hơn trong việc chứng minh mình thuộc đối tượng thụ hưởng và như vậy sẽ giúp chính sách trở nên khả thi hơn. Tuy nhiên, theo ông Lực, dự thảo chỉ sửa đổi duy nhất một nội dung như trên thì sẽ không khắc phục được hết các “nút thắt” cản trở DN tiếp cận gói 16.000 tỷ đồng.

Với quan điểm đó, ông Lực cho rằng, nên sửa đổi cả quy định “có NLĐ ngừng việc liên tục từ 1 tháng trở lên” theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với tình hình thực tế của DN hơn, theo đó, có thể xem xét hỗ trợ đối với cả các DN đang thực hiện cho NLĐ giãn, giảm thời gian làm việc, làm việc luân phiên.

Đồng quan điểm trên, ông Trương Văn Cẩm đề xuất thêm, đối với điều kiện DN đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho NLĐ cũng nên được điều chỉnh phù hợp hơn. “Trên thực tế, có nhiều trường hợp DN và NLĐ thỏa thuận tỷ lệ trả lương chưa đạt được 50%, nhưng được sự đồng thuận và chia sẻ của NLĐ với DN trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Do đó, nếu quy định cứng về tỷ lệ tiền lương DN phải trả trước cho NLĐ là 50%, thì dường như đã loại đi một tỷ lệ lớn DN không đủ điều kiện được vay” – ông Cẩm chia sẻ.

Nếu doanh nghiệp đã “chết” thì cũng không cần vay để trả lương nữa!

“Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, doanh nghiệp cũng luôn nỗ lực tìm mọi cách xoay sở để giữ “cơ nghiệp” mà họ đã gây dựng nên. Do đó, dịch Covid-19 có thể khiến doanh nghiệp bị sụt giảm năng lực sản xuất, giảm doanh thu, song doanh nghiệp vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động, tức là doanh nghiệp vẫn có doanh thu nhất định và như vậy đồng nghĩa doanh nghiệp không thuộc đối tượng hỗ trợ. Nếu quy định chung chung là doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương thì chẳng khác gì doanh nghiệp đó đã “chết”, mà nếu là doanh nghiệp đã “chết” thì doanh nghiệp cũng không cần vay trả lương nữa”.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Diệu Thiện

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2020-08-22/doanh-nghiep-kho-cham-toi-91329.aspx