Doanh nghiệp 'khát' quản trị nhân sự cấp quản lý

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân sự chất lượng cao, trong đó cấp quản lý phụ trách nhân sự đang khan hiếm trầm trọng. Nguyên nhân của sự thiếu hụt này theo các chuyên gia là do hệ thống các trường đại học, cao đẳng hiện nay chưa đào tạo chính quy ngành quản trị nhân sự.

Chuyên gia quản lý nhân sự: Ngọc thô đắt giá

Ông Huỳnh Đức Việt - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt may Đức Long (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, gần ba năm nay công ty “đỏ con mắt” đi tìm một giám đốc nhân sự giỏi để quản lý gần 3.000 nhân viên nhưng vẫn chưa được. Người ứng cử vào vị trí công việc của doanh nghiệp (DN) không thiếu nhưng chọn được người có đủ năng lực của chuyên môn này thì quá khó. Theo ông Việt, những người làm công tác quản lý nhân sự giỏi là do đã có nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, không mấy ai được đào tạo bài bản vì thế những nhân tố này trở thành “của hiếm” trên thị trường lao động hiện nay.

Tiến sĩ Bùi Văn Quang- giảng viên Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - cho biết, lâu nay chưa có trường đại học hoặc cao đẳng nào đào tạo chính quy chuyên ngành quản lý nhân lực. Các chuyên gia quản lý nguồn nhân lực hay giám đốc nhân sự tại các công ty đa số được giao cho người có kinh nghiệm, phần đông là học chuyên ngành về quản trị kinh doanh. Khi kinh tế phát triển, nhiều DN trong nước, DN thuộc FDI ra đời và hoạt động chuyên nghiệp hơn, vì thế cần có những người có năng lực chuyên môn để quản lý nguồn nhân lực trong công ty nhưng thị trường lao động hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu này.

Là người có thâm niên làm giám đốc nhân sự cho nhiều DN và hiện bà là chuyên gia thực hiện theo gói về chiến lược nhân sự cho các công ty FDI, bà Huỳnh Thanh Vân (ngụ tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, đã qua rồi cái thời giám đốc nhân sự là vị trí lãnh đạo ít được quan tâm tại một DN. Hiện nay vai trò của Giám đốc nhân sự trở nên cực kỳ quan trọng, là người bày binh bố trận, đặt người tài vào đúng vị trí nhờ đó công ty có thể hoạt động hiệu quả. Vì vậy, ngày nay những người có chuyên môn cao thì không bao giờ hết việc.

Bà Nguyễn Phương Mai – Giám đốc điều hành Navigos Search – cho biết, theo dữ liệu từ VietnamWorks, nhu cầu về tuyển dụng nhân lực quản lý nguồn nhân lực hiện nay đang tăng trưởng mạnh, số lượng công việc đăng tuyển trong 7 tháng đầu năm 2019 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Về nguồn cung nhân lực, ứng viên tìm kiếm cơ hội trong ngành quản trị nhân lực cũng nằm trong top 10 những ngành có nguồn cung ứng viên nhiều nhất trong cơ sở dữ liệu của VietnamWorks. Ngoài ra, ngành quản trị nhân lực cũng là một trong những ngành thu hút ứng viên, với tỉ lệ chọi là 1/73 trên một công việc đăng tuyển, đứng thứ 2 về tỉ lệ chọi trên cơ sở dữ liệu. Những số liệu trên cho thấy thị trường tuyển dụng ngành này đang rất sôi động.

“Navigos Search luôn nhận được yêu cầu tuyển trưởng phòng nhân sự hoặc giám đốc nhân sự từ các doanh nghiệp FDI mới hoặc chuẩn bị vào Việt Nam và nhu cầu tuyển dụng đối với các vị trí cấp quản lý này đang thật sự trở nên bức thiết do ứng viên ngành nhân sự không quá thiếu, nhưng ứng viên đạt yêu cầu ngày càng thách thức hơn cho vai trò tư vấn chiến lược như nêu ở phần trên không thật sự nhiều”, bà Mai chia sẻ.

Đại học RMIT Việt Nam nơi đào tạo chính quy ngành cấp quản trị nguồn nhân sự

Đại học RMIT Việt Nam nơi đào tạo chính quy ngành cấp quản trị nguồn nhân sự

Đào tạo quản lý nhân sự: Cung không đủ cầu

Tiến sĩ Nguyễn Lâm Tuấn - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân Á Châu - cho biết, Trường có hơn 40 chương trình đào tạo, trong đó có chương trình đào tạo Quản trị Nguồn nhân lực. Chương trình đào tạo Quản trị nguồn nhân lực, các giảng viên là người có kinh nghiệm sẽ chuyển giao những kỹ năng tuyển dụng và giữ chân nhân tài, kỹ năng tạo động lực làm việc cho nhân viên, hoạch định nhân sự, kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc, kỹ năng huấn luyện, đào tạo đội ngũ nhân sự…Tuy nhiên, Trường Doanh Nhân Á Châu mỗi chương trình học chỉ đào tạo từ 15-30 buổi/khóa học.

Ông Nguyễn Lâm Tuấn cho rằng, ở, vấn đề quản lý nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn và thách thức, vẫn chưa có giải pháp chung toàn diện nào dành cho tất cả các doanh nghiệp vì mỗi DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, quy mô, hướng đi khác nhau. Thực tế cho thấy, nhu cầu của các DN Việt Nam về vấn đề quản lý nguồn nhân lực hiện nay rất cao và ngày càng được chú trọng. Nhân lực là nguồn lực quý giá và quan trọng nhất của mỗi một DN, dù là ở trong nước hay nước ngoài. Quy tắc tuyển chọn, phân công công việc tối ưu nhất mà mỗi DN nên áp dụng đó là “chọn người phù hợp nhất, chứ không chỉ chọn người giỏi nhất”, vì thế sự lựa chọn ứng viên vào vị trí thích hợp luôn diễn ra căng thẳng trên thị trường lao động.

Phó giáo sư Mathews Nkhoma - Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị tại RMIT Việt Nam - cho biết, chương trình mới sẽ đáp ứng nhu cầu nhân sự cho ngành quản trị nguồn nhân lực đang ngày càng tăng cao: “Việt Nam, với vị thế là một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất khu vực Đông Nam Á, cần đội ngũ nhân lực nhanh nhẹn và thông thạo nhiều mảng hơn nhằm duy trì tính cạnh tranh của mình. Do lực lượng lao động tại Việt Nam ngày càng gia tăng về số lượng, nhu cầu về chuyên gia nhân sự cũng tăng cao theo”, Phó giáo sư Mathews Nkhoma nhận định.Nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao đối với nguồn lực quản lý nhân sự, đại học RMIT Việt Nam vừa mở thêm ngành mới là Quản trị Nguồn nhân lực và sẽ đón sinh viên trong năm 2019. Nội dung học được kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và kỹ năng thực hành, bao hàm tất cả các khía cạnh về quản lý con người trong một tổ chức như quan hệ tuyển dụng, sức khỏe và an toàn lao động, sức khỏe tâm thân, phát triển nhân lực, quản lý hiệu suất làm việc trong tổ chức, quản lý nhân sự quốc tế .

Theo Phó giáo sư Mathews Nkhoma, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ cũng cần một thế hệ chuyên gia nhân sự mới, những người được trang bị kiến thức mới nhất và bộ kỹ năng cần thiết giúp giải quyết những thách thức hiện nay tại các công sở. Chương trình Quản trị Nguồn nhân lực của RMIT Việt Nam sẽ giúp sinh viên đạt được các tiêu chuẩn chuyên môn quốc tế và có lợi thế cạnh tranh cao trong lĩnh vực nhân sự.

Thực tế nhiều doanh nghiệp hiện nay rất cần những người làm công tác quản lý nhân lực giỏi về chuyên môn, nhất là các doanh nghiệp có đông nhân công, hoạt động đa lĩnh vực. Tuy nhiên, rât ít trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay đào tạo bài bản quản trị nhân sự, do vậy có thể dự đoán, trong tương lai, chuyên gia quản trị nhân sự trung và cao cấp vẫn sẽ tiếp tục được săn đón.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-khat-quan-tri-nhan-su-cap-quan-ly-124465.html