Doanh nghiệp khai mỏ trước nguy cơ đóng cửa

Mặc dù vừa có hiệu lực thi hành gần 5 tháng, nhưng Thông tư 44/2017 của Bộ Tài chính đã khiến hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nguy cơ phải đóng cửa.

Bất cập khi áp giá tính thuế đối với sản phẩm khi bán ra trên thị trường. Đó là một trong những ý kiến mà các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay trên địa bàn Nghệ An muốn được giải đáp thỏa đáng từ cơ quan thuế qua buổi đối thoại diễn ra mới đây.

Thông tư 44/2017/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 đã khiến DN khai thác khoáng sản gặp nhiều khó khăn.

Bất cập từ áp thuế theo mặt bằng chung

Trong thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An có khoảng gần 300 điểm mỏ phục vụ cho thác khoáng sản gồm: đá xây dựng, đá trắng, quặng, sắt, thiếc… Tỉnh Nghệ An hiện nay cũng có khoảng 148 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai với mức đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2017, Thông tư số 44/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính “quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau” có hiệu lực đã khiến các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn Nghệ An có nguy cơ phải đóng cửa.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mức áp giá thuế chung theo Thông tư số 44 hiện quá cao. Với cách tính mức thuế mới như vậy, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra số tiền cao gấp 2,3 lần để nộp thuế. Đơn cử như hiện nay, giá tính thuế đối với đá hộc xây dựng là 250.000 đồng/m3 nhưng nếu tính thuế theo Thông tư 44 thì doanh nghiệp phải đóng mức thuế là 700.000 đồng/m3. Các sản phẩm khác từ khai thác khoáng sản cũng phải áp mức thuế như vậy.

Ông Nguyễn Giang Hoài, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp cho biết, với cách áp thuế tại Thông tư 44, chi phí, giá thành sản phẩm sẽ bị đẩy cảo “ăn theo” mức đóng thuế mới. Làm như vậy, sản phẩm của doanh nghiệp làm ra khó có thể cạnh tranh được trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã phải đóng nhiều khoản như tiền sử dụng thông tin tài liệu địa chất, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, chi phí tái tạo rừng, phí xây dựng cơ sở hạ tầng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, GTGT, tiền ký quỹ phục hồi môi trường, thuế suất khẩu và thuế Tài nguyên…

Không chỉ doanh nghiệp Nghệ An gặp khó khăn

Vấn đề áp giá tính thuế mới theo Thông tư 44 cũng đang là vấn đề gây không ít khó khăn đối với các doanh nghiệp tham gia khai thác khoáng sản trên địa bàn Nghệ An hiện nay. Trước đó, vào ngày 16/6/2017, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) và Hội đá trắng Lục Yên (Yên Bái) cũng đã có tờ trình xin Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài Chính, Tổng Cục Thuế và các cơ quan có thẩm quyền, xem xét điều chỉnh khung giá, danh mục, mức thu cho phù hợp. Nghĩa là, trước khi Thông tư 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính về khung thuế tài nguyên mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.
Theo thống kê, cho đến nay trên toàn quốc đã cấp phép 70 mỏ đá hoa trắng, trong số này khoảng 40% đã đang vào khai thác (60% còn lại đang tạm dừng do kết quả khai thác khoáng sản kém chất lượng mà chi phí các khoản thuế cho loại sản phẩm này chiếm đến 40% giá bán).

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp kiến nghị, Tổng Cục Thuế và các cơ quan có thẩm quyền, xem xét điều chỉnh khung giá, danh mục, mức thu, phương pháp tính phù hợp.

Ngọc Thái

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/doanh-nghiep-khai-mo-truoc-nguy-co-dong-cua-120743.html