Doanh nghiệp kêu thiếu xăng để bán: Phân định giả - thật

Ngoài khả năng tạo cơn 'sốt' giả, có thể xem xét khả năng đầu cơ, trục lợi.

Gần đây, trên báo chí, các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu và các doanh nghiệp đầu mối than vãn về tình trạng khan hiếm nguồn cung, khiến doanh nghiệp không nhập được hàng. Tình trạng khan hiếm nguồn cung khiến nhiều doanh nghiệp găm hàng, không bán ra vì sợ lỗ. Trái ngược với đó, Bộ Công thương khẳng định bảo đảm nguồn cung. Bình luận về hiện tượng trên, TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng cần làm rõ động cơ của các doanh nghiệp đầu mối.

Cần làm rõ động cơ của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Ảnh minh họa

Cần làm rõ động cơ của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Ảnh minh họa

Ông Hùng nhấn mạnh, Bộ Công thương là cơ quan quản lý đã khẳng định đủ xăng dầu để cung cấp cho thị trường thì không có lý do gì các doanh nghiệp lại than thiếu.

Với những diễn biến đang diễn, ông Hùng nghi ngờ có khả năng các doanh nghiệp đầu mối đang tạo khan hiếm giả, cùng với việc giá xăng dầu thế giới có chiều hướng tăng nên muốn tạo cơn sốt giả dọn đường tăng giá bán lẻ trong nước.

Đây có thể là mánh lới kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu khi tung ra các thông tin như vậy, các doanh nghiệp cũng đồng thời găm hàng, không bán ra, đợi đến khi được đồng ý tăng giá, doanh nghiệp xả hàng ăn chênh lệch, thu lợi lớn từ lượng xăng dầu tích trữ. Bộ Công thương phải tỉnh táo.

Cũng theo ông Hùng, một nguyên nhân nữa cũng cần được tính tới đó là việc điều chỉnh về giá điện, đây cũng có thể là lý do các doanh nghiệp xăng dầu muốn vin vào đòi tăng giá theo.

"Thực chất đây là chiêu thức cũ, một lần kêu, được Bộ Công thương xả quỹ bình ổn, tăng giá, rồi lại xả quỹ cứu, thì các doanh nghiệp cứ đà đó mà làm.

Đó là cách làm thiếu sòng phẳng, kiếm lợi không chính đáng. Cơ quan chủ quản cần phải thể hiện dứt khoát quan điểm, không chiều doanh nghiệp", ông Hùng nói.

Đồng thời, ông Hùng cũng cho rằng, với những biểu hiện trên, ông Hùng khẳng định hoàn toàn có thể xem xét động cơ đầu cơ, tích trữ nhằm tăng giá của các doanh nghiệp.

"Động cơ tạo khan hiếm giả tạo, đầu cơ tích trữ trên thị trường để tăng giá là động thái rất nguy hiểm, bị nghiêm cấm trong mọi hoạt động kinh doanh, nhất là với những lĩnh vực mang tính độc quyền. Một khi, tình trạng này xảy ra sẽ gây ra những biến động rất lớn trên thị trường, gây thiệt hại nặng nề cho người dân và xã hội. Trong khi đó, lợi ích thu về chỉ làm lợi cho một nhóm người chứ không phải làm giàu cho ngân sách", ông Hùng nói.

Minh bạch hóa chi phía

Về phía Bộ Công thương, ông Hùng cho rằng để doanh nghiệp xăng dầu đầu mối than vãn như vậy, họ cũng cần phải xem xét lại vai trò điều hành, quản lý của mình.

Để tránh lặp lại những trường hợp tương tự, cũng giống như ngành điện, nước, TS Đinh Sơn Hùng yêu cầu ngành công thương minh bạch hóa chi phí cho ngành xăng dầu.

Ông Hùng cho biết, các doanh nghiệp xăng dầu, điện, nước đang ỉ thế độc quyền, né tránh công khai, minh bạch chi phí, nhập nhèm trong cách tính giá cả, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng, gây ảnh hưởng lớn tới nền sản xuất trong nước.

Cũng chính từ sự thiếu minh bạch nên đưa ra giá nào người tiêu dùng phải chịu giá đó, giải thích thế nào người dùng phải nghe vậy, rất vô lý.

"Tôi nhiều lần nói, ngành điện, nước, xăng dầu, lấy lý do tăng giá vì tính theo giá nước ngoài. Nhưng khi muốn tính theo giá khu vực hay giá thế giới phải dựa trên mặt bằng giá chung. Tất cả cán bộ, công nhân viên ngành điện, xăng, nước vẫn đang mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các dịch vụ bảo đảm nhu cầu thiết yếu của con người như dịch vụ y tế, giáo dục, lương thực thực phẩm đều mua theo giá Việt Nam, như vậy, chi phí đầu vào của ngành điện, nước, xăng dầu đang được tính chính là giá Việt Nam. Chi phí đầu vào là giá Việt Nam thì tại sao lại tính giá đầu ra theo giá quốc tế được?

Hơn nữa, ngành xăng dầu còn đang sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước, tỉ lệ nhập của thế giới đã giảm ở mức 0 đồng thì không có lý do gì để tính theo giá thế giới.

Điều này, chỉ có thể được lý giải bởi hai lý do: Một là, báo cáo của ngành công thương chưa chính xác, mang tính hình thức? Hai là, cách tính thiếu minh bạch, chưa rõ ràng", vị chuyên nói.

Ông Đinh Sơn Hùng khẳng định: "Về nguyên tắc kinh tế và cả nguyên tắc thị trường đều không thể chấp nhận được".

Để minh oan cho ngành công thương, ông Hùng đề nghị Bộ Công thương công khai chi phí, để dư luận giám sát.

"Khi đã công khai chi phí, doanh nghiệp không thể muốn làm gì thì làm, nói gì thì làm. Về lâu dài, phải xóa bỏ cơ chế kinh doanh độc quyền trong lĩnh vực này", ông Hùng nói.

Doanh nghiệp kêu thiếu xăng để bán: Khan hiếm 'giả tạo'?

Ngày 27/3, Đoàn kiểm tra thị trường trong nước của Bộ Công Thương đã tổ chức thanh, kiểm tra tình hình cung ứng xăng tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội.

Qua đó, đại điện Đoàn kiểm tra và các cửa hàng xăng dầu khẳng định không có việc thiếu nguồn xăng A95 để bán trên thị trường như những thông tin được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày gần đây.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước khẳng định, qua kiểm tra cho thấy, việc bán xăng A95 vẫn diễn ra bình thường.

Để tiếp tục hoạt động thanh, triểm tra trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ký công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố phối hợp kiểm tra việc cung ứng, lưu thông hàng hóa, xăng dầu trên địa bàn. Nếu có vấn đề liên quan đến việc găm hàng, sẽ báo cáo Bộ và có hình thức xử lý nghiêm khắc.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/doanh-nghiep-keu-thieu-xang-de-ban-phan-dinh-gia--that-3377121/