Doanh nghiệp kêu khó khi đưa hàng vào siêu thị

Sáng ngày 27/9, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương của 45 tỉnh thành và các doanh nghiệp cung ứng, nhà phân phối cùng tham gia Hội nghị các nhà cung ứng và đơn vị phân phối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Chủ trị hội nghị, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, doanh thu thương mại, dịch vụ của thành phố liên tục tăng, trong đó có sự tham gia tích cực của 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và hơn 2.500 cửa hàng tiện lợi. Hội nghị này là dịp để các nhà cung ứng, phân phối gặp gỡ, cùng nhau tìm giải pháp để thực hiện chuỗi cung ứng hàng hóa chất lượng, ổn định và chuyên nghiệp. Đồng thời trao đổi rõ những vấn đề đang vướng mắc, khó khăn nhằm tạo lập cho được sự liên kết cung - cầu bền chặt giữa hai bên trong thời gian sắp tới.

“Tính đến sáng ngày 27/9, đã có 417 hợp đồng đã ký kết hợp tác sản xuất, cung ứng hàng hóa, điều này cho thấy nhu cầu kết nối giao thương giữa các đơn vị, doanh nghiệp là rất lớn và đầy tiềm năng” - bà Trang thông tin.

Bà Trần Thị Tố Lan - (áo đen) Phó Giám đốc Công ty Tây Long giới thiệu sản phẩm đồ chơi trẻ em bằng gỗ với đối tác tại Hội nghị kết nối cung - cầu 2019

Bà Trần Thị Tố Lan - (áo đen) Phó Giám đốc Công ty Tây Long giới thiệu sản phẩm đồ chơi trẻ em bằng gỗ với đối tác tại Hội nghị kết nối cung - cầu 2019

Các nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa cho siêu thị đều cho rằng, việc đưa sản phẩm do mình sản xuất vào hệ thống siêu thị hiện nay rất khó khăn với nhiều lý do khác nhau, trong đó không thiếu những lý do bất hợp lý. Bà Dương Thu Uyên - Giám đốc Công ty cổ phần DEVIE (TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, cách đây vài tháng có chào hàng sản phẩm ngũ cốc Quê Tôi, sản phẩm đã đạt chất lượng và Big C gửi lại hợp đồng, song sau đó doanh nghiệp liên lạc lại nhiều lần qua hai tháng nay vẫn chưa thấy phản hồi. Để cung ứng cho siêu thị, công ty đã đầu tư về máy móc, nâng cao chất lượng, bao bì, mẫu mã nhưng vẫn khó khăn và chưa biết cách nào để sản phẩm của mình nằm trên kệ của siêu thị.

Bà Dương Thu Uyên - Giám đốc Công ty cổ phần DEVIE mong muốn các siêu thị quan tâm hơn đến nhà sản xuất hàng hóa

Còn ông Đặng Thanh Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần Đế Gò Đen - phản ánh, công ty đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất và được chứng nhận chất lượng nhưng con đường đưa sản phẩm vào siêu thị hiện nay lại quá gian nan và sự bền vững trong mối giao thương này là rất mong manh, dù nhà sản xuất rất thật lòng và làm đủ cách. Ông Hùng mong muốn, các nhà sản xuất như ông cần được làm đối tác đích thực của các hệ thống siêu thị, lúc đó những rào cản đang tồn tại như hiện nay may ra mới được gỡ bỏ.

Thực tế, mối liên kết giữa nhà sản xuất với hệ thống siêu thị hiện nay đã có vấn đề trong giao tiếp, đặt lịch làm việc, cùng nhau ngồi lại để bàn thảo thu mua hàng hóa. Lãnh đạo các siêu thị nói rằng, phía siêu thị mong muốn được hợp tác, song các nhà sản xuất ra hàng hóa muốn cung cấp sản phẩm cho siêu thị lại phản ánh ngược lại. ‘Cái chính là ở bộ phận nhân sự thu mua, họ rất “chảnh”, gọi điện thoại hàng chục lần không bốc máy, khi vất vả gặp được thì một thời gian sau liên lạc lại không có phản hồi, khiến cho doanh nghiệp nản lòng”, đại diện một nhà sản xuất hàng hóa phán ánh.

Sản phẩm của núi rừng Kon Tum tham gia kết nối cung - cầu

Ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc Công ty Nông nghiệp Tiên Tiến (Ninh Thuận) – cho biết, công ty chuyên sản xuất sản phẩm măng tây, đậu phộng, chế phẩm sinh học chiết xuất từ thảo mộc, riêng măng tây đang phát triển 300ha. Ông Tiến bức xúc nói, việc liên hệ với các siêu thị là không thể, họ không phản hồi, viện đủ lý do để không cho chúng tôi tiếp cận. Ông Tiến hy vọng, qua hội nghị này các siêu thị cần nghe điện thoại, hỗ trợ nhà sản xuất kết nối để hàng hóa lưu thông.

Bà Trần Thị Tố Lan - Phó Giám đốc Công ty Tây Long (Vinh Long) - cho biết, doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại đồ chơi bằng gỗ dành cho trẻ em, sản phẩm mà 90% gia đình có trẻ nhỏ cần đến. Tuy nhiên, sản phẩm dù chất lượng, tính mỹ thuật cao, an toàn nhưng chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ và mong các siêu thị quan tâm đến mặt hàng đặc thù này. Ông Lê Văn Đặng - Giám đốc xí nghiệp chế biến cá cơm Hòn Chông (Kiên Giang) - cho hay, xí nghiệp đánh bắt cá cơm tươi và chế biến khô ngay tại biển, sản lượng đạt khoảng 300 tấn khô/năm. Ông Đặng mong muốn cung cấp sản phẩm cho siêu thị nhưng cách thức hợp tác như thế nào, giá cả, tỷ lệ chiết khấu bao nhiêu rất cần được các siêu thị hỗ trợ một cách chân thành đề cơ sở có điều kiện mở rộng đầu ra ngay tại thị trường trong nước.

Từ những nổi bức xúc của các nhà sản xuất, đại diện các siêu hị cam kết sẽ xem xét lại khâu thu mua, tháo gỡ những nút thắt trong giao dịch, kết nối và mong muốn được đồng hành với các nhà sản xuất. Bà Nguyễn Huỳnh Trang khẳng định, ngành Công Thương thành phố sắp tới sẽ có những buổi làm việc với siêu thị nhằm khơi thông đường đi của hàng hóa từ nơi sản xuất đến kệ hàng của các siêu thị.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-keu-kho-khi-dua-hang-vao-sieu-thi-125803.html