Doanh nghiệp kêu hệ thống chính sách thuế phức tạp

Khảo sát của VCCI cho thấy hệ thống chính sách thuế hiện nay vẫn bị nhiều doanh nghiệp đánh giá là phức tạp.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố: “Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2019”.

Tại đợt khảo sát năm nay có đến hơn 1.700 doanh nghiệp trên cả nước tham dự.

Một số doanh nghiệp phản ánh hệ thống nộp thuế điện tử quá chậm, rất hay bị lỗi, sử dụng không ổn định.

Một số doanh nghiệp phản ánh hệ thống nộp thuế điện tử quá chậm, rất hay bị lỗi, sử dụng không ổn định.

Hệ thống thuế vẫn còn phức tạp

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy hệ thống chính sách thuế hiện nay vẫn bị nhiều doanh nghiệp đánh giá là phức tạp.

Điểm phức tạp thứ nhất là có quá nhiều văn bản chính sách về thuế được ban hành bởi các cơ quan Nhà nước. Các văn bản này thường khó hiểu, cách trình bày và truyền thông chưa đủ rõ ràng. Doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian nghiên cứu để có thể hiểu được những yêu cầu của các văn bản hướng dẫn.

Điểm phức tạp thứ hai là chính sách thuế liên tục thay đổi, nếu doanh nghiệp không chủ động bám sát thường xuyên thì sẽ không kịp thích ứng với chính sách mới.

VCCI dẫn chứng một số dẫn chứng được doanh nghiệp đưa ra là hiện nay (thời điểm đầu năm 2019), các nội dung về Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đang được quy định/hướng dẫn trong 3 Luật và Luật sửa đổi, 12 Nghị định và Thông tư; Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng được quy định/hướng dẫn trong 3 Luật và Luật sửa đổi, 4 Nghị định và 8 Thông tư, chưa kể các văn bản quy định/hướng dẫn về hóa đơn chứng từ, mẫu biểu tờ khai.

Bên cạnh các văn bản hướng dẫn về thuế, doanh nghiệp cũng phải tham chiếu/cập nhật các quy định có liên quan khác để tính được đúng số tiền thuế phải nộp, chẳng hạn như quy định về kế toán, khấu hao tài sản, lãi tiền vay, các khoản chi phí khác… được trừ trong chi phí khi tính thuế TNDN.

Theo VCCI, việc thay đổi chính sách quá thường xuyên được xem là yếu tố có thể kéo theo sự tốn kém về thời gian và phát sinh thêm nhiều chi phí cho doanh nghiệp như tư vấn pháp luật, nâng cấp phần mềm, thay đổi biểu mẫu… đồng thời doanh nghiệp cũng đối mặt với rủi ro là bị phạt do không nắm được hết những thay đổi trong chính sách, thủ tục về thuế.

Một điểm phức tạp khác là việc thực thi chính sách ở các cơ quan thuế còn chưa thống nhất.

Một số doanh nghiệp phản ánh giữa các chi cục thuế khác nhau có xảy ra hiện tượng yêu cầu doanh nghiệp nộp các loại tờ khai, văn bản khác nhau dù cùng một loại thủ tục hành chính thuế, trong đó hai loại được nhắc đến nhiều là thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh dẫn đến chuyển đổi cơ quan thuế (Chi cục Thuế) quản lý và thủ tục giải thể doanh nghiệp đóng mã số thuế.

Hệ thống nộp thuế điện tử quá chậm

Trong số các ý kiến phản hồi qua khảo sát của VCCI, nhiều doanh nghiệp cho rằng chuyên môn, thái độ phục vụ của cán bộ cơ quan thuế cũng là điểm cần cải thiện.

Doanh nghiệp vẫn phản ánh có tình trạng cán bộ thuế không giải đáp chi tiết các thắc mắc về thuế mà chỉ nói chung chung, không đúng vấn đề, và thái độ chưa thân thiện, cởi mở.

Nhiều doanh nghiệp đề nghị cán bộ phòng tuyên truyền - hỗ trợ thuế cần phải có chuyên môn thật tốt để trả lời được cho doanh nghiệp… Các cán bộ thuế cần làm chủ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục thuế.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp phản ánh hệ thống nộp thuế điện tử quá chậm, rất hay bị lỗi, sử dụng không ổn định. Một số doanh nghiệp đề nghị cơ quan Thuế cần khắc phục các vấn đề kỹ thuật nhanh chóng, giảm thiểu các sự cố phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống.

Vấn đề đăng ký tài khoản ngân hàng cũng được các doanh nghiệp đề cập tới. Theo đó, mỗi lần doanh nghiệp mở tài khoản ngân hàng là họ lại phải đăng ký với Phòng đăng ký kinh doanh qua mạng trước.

Tiếp đó, họ phải đến nộp trực tiếp, rồi chờ đợi xác nhận. Các doanh nghiệp này phản ánh cách làm này mất nhiều thời gian hơn cho doanh nghiệp so với cách làm cũ trước đây khi đăng ký trực tiếp với cơ quan thuế.

Đỗ Huyền

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/doanh-nghiep-keu-he-thong-chinh-thue-phuc-tap-161838.html