Doanh nghiệp hướng đến không chôn lấp chất thải

Một số tập đoàn và doanh nghiệp tại Việt Nam đang hướng đến việc tái chế hoàn toàn chất thải, không chôn lấp nhằm cải thiện môi trường.

Vấn đề này được các nhà quản lý cùng các doanh nghiệp sản xuất đưa ra bàn thảo tại hội nghị “Không chôn lấp chất thải trong nền kinh tế tuần hoàn” được tổ chức bởi INSEE Việt Nam ngày 30-11 tại TPHCM.

INSEE Ecocycle trao tặng giải thưởng Môi trường doanh nghiệp xanh cho 17 tập đoàn và doanh nghiệp đã hoàn thành cam kết không chôn lấp chất thải - Ảnh: Lê Anh

Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, có tới 80% trong 15 triệu tấn rác thải sinh hoạt từ các đô thị và nông thôn hàng năm được xử lý bằng cách chôn lấp, chỉ 20% được thiêu đốt hoặc tái chế. Thực trạng chôn lấp chất thải gây ô nhiễm môi trường đã lên đến mức báo động, cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn vấn nạn này.

Đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phân tích chôn lấp chất thải là giải pháp không hiệu quả, gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Không những vậy, chôn lấp chất thải còn tác động xấu đến nền kinh tế, du lịch, đặc biệt là môi trường biển. "Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ấn tượng, nhưng chỉ số môi trường rất thấp. Làm thế nào để tái chế chất thải đang là vấn đề nan giải. Trong nền kinh tế có sự tuần hoàn, và mô hình tái chế giúp tạo công ăn việc làm, giảm ô nhiễm môi trường", vị này nói.

Đánh giá về thực trạng môi trường, vị này cho biết Việt Nam có nhiều quy định về môi trường, song việc thực thi còn hạn chế. Việc Chính phủ vẫn bảo hộ cho các nhà sản xuất than nội địa cũng khiến môi trường ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn. Việt Nam muốn giảm ô nhiễm môi trường thì phải chuyển các loại xe chạy xăng, dầu sang xe chạy điện trong vòng 5 năm tới thì mới hy vọng hạn chế lượng khí thải.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Jean Pierre Dawance, Giám đốc kỹ thuật Nestle Việt Nam cho biết, tại Nestle, không có chất thải nào chôn lấp. Chất thải thực phẩm được sử dụng một phần để tái chế làm thức ăn chăn nuôi, những chất thải bằng nhựa sẽ được tái chế sử dụng, một số bao bì được tái chế để làm ngói trong xây dựng, một số chất thải được tái chế để làm phân bón… Những chất thải không thể tái chế được Nestle hợp tác với các công ty xử lý triệt để.

Ông Jean Pierre Dawance cho rằng muốn giảm thiểu chất thải thì trước tiên phải giảm thiểu chất thải đầu vào. Ví dụ, túi đựng hạt cà phê của Nestle được tái sử dụng để đựng cà phê từ Tây Nguyên về nhà máy. Ông cho biết Nestle sẽ nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm bao bì không gây hại môi trường mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm.

“Công ty dự kiến đến năm 2025, mọi sản phẩm đều có thể tái chế sử dụng. Đây là một thách thức rất lớn. Dù chi phí xử lý cao nhưng đổi lại, Nestle tạo được giá trị thương hiệu và lợi ích cho xã hội”, ông Jean Pierre Dawance phân tích.

Ông Bruno Fux, Giám đốc của INSEE Ecocycle Việt Nam, cũng cho rằng chôn lấp không phải là giải pháp bền vững. Ví dụ, Thụy sĩ mất khoảng 23.000 tỉ đồng để xử lý một bãi chôn lấp trong hơn 10 năm. Việt Nam có thể học hỏi thất bại từ các nước đi trước để có giải pháp hợp lý hơn. Ông dẫn ví dụ khi bay từ TPHCM đến Hà Nội, ông nhận thấy các gói bao gì đựng thức ăn rất nhiều, cần giảm các bao bì đựng thức ăn này để giảm rác thải.

“Chúng ta không cần phải chờ đợi đến 10 năm sau để hiện thực hóa việc không chôn lấp chất thải bởi vì điều đó ít nhất đã và đang được một số công ty tại Việt Nam thực hiện. Chúng ta có quyền tin vào một tương lai mà Việt Nam sẽ xây dựng được hệ thống xử lý chất thải tốt hơn và thân thiện hơn với môi trường”, ông Bruno Fux nói.

Tại hội nghị, nhằm tri ân những đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam, lần đầu tiên INSEE Ecocyle đã trao tặng giải thưởng Môi trường doanh nghiệp xanh (Green Business Award) cho 17 tập đoàn và doanh nghiệp đã hoàn thành cam kết không chôn lấp chất thải. Thông qua giải thưởng này, INSEE Ecocycle mong muốn tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng bền vững để các sản phẩm của Việt Nam tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế và cùng hướng đến một tương lai xanh.

INSEE Ecocycle Việt Nam là thương hiệu được biết đến trong lĩnh vực xử lý chất thải tại Việt Nam. Trong suốt 10 năm hoạt động, INSEE Ecocycle đã xử lý an toàn, triệt để hơn 1 triệu tấn chất thải, giảm hơn 1 triệu tấn khí thải nhà kính. INSEE Ecocycle hiện là đối tác của hơn 250 tập đoàn lớn trong các ngành công nghiệp khác nhau tại Việt Nam.

Lê Anh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282338/doanh-nghiep-huong-den-khong-chon-lap-chat-thai-.html