Doanh nghiệp Hoa Kỳ đang rời Trung Quốc nhưng có chọn Việt Nam?

Tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn, minh bạch và ổn định hơn sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy thu hút doanh nghiệp (DN) Hoa Kỳ dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây.

Các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây.

Việt Nam có là điểm đến?

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018, sáng 4/12, ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham) – chia sẻ: Căng thẳng đang diễn ra trong thương mại giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc đã làm nổi bật rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một quốc gia đơn lẻ và đang kích hoạt việc tái tổ chức chuỗi cung ứng.

Một cuộc khảo sát gần đây của AmCham tới các DN Hoa Kỳ ở Trung Quốc cho thấy một phần ba đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng trong thương mại. Một cuộc khảo sát riêng biệt của các công ty nước ngoài từ các quốc gia khác cho thấy một nửa đang cân nhắc việc di dời, và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ.

Trung Quốc vẫn sẽ là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, theo người đứng đầu AmCham, việc các công ty và các nhà cung cấp di chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang có được lợi ích từ một số DN đó. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội này để tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Thực tế cho thấy Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một số nhà chức trách đang đặt câu hỏi rằng liệu việc có nhiều DN nước ngoài tại Việt Nam là thật sự tốt cho nền kinh tế Việt Nam hay không. Ví dụ, một đại biểu Quốc hội gần đây đã nói: "Với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 70% tổng xuất khẩu, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi những DN này rút khỏi Việt Nam".

Theo ông Michael Kelly, với vai trò là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, các công ty Hoa Kỳ rất quan tâm đến sự thành công tiếp nối của thị trường này. Môi trường kinh doanh có thể được cải thiện bằng các động thái tăng năng suất và giảm chi phí cũng như rủi ro kinh doanh tại Việt Nam. Quan trọng hơn, việc giảm chi phí và rủi ro kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho các DN Việt Nam–rất nhiều trong số đó là các DN vừa và nhỏ-và đồng thời sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh-khởi nghiệp, đảm bảo khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam.

Để Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội nêu trên, ông Michael Kelly, khuyến nghị, các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây. Những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các đạo luật và quy định - bao gồm thuế suất và chính sách - là những rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Những thay đổi này ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và kinh doanh của các dự án đã được cấp phép. Do đó, AmCham khuyến cáo rằng chính phủ nên xem xét việc hướng dẫn về bảo vệ đầu tư để ngăn chặn các hiệu ứng ràng buộc tiêu cực và hồi tố của các điều luật và quy định mới đối với các dự án hiện nay.

Tạo thuận lợi cho thương mại và luồng hàng hóa

Một vấn đề nữa được ông Michael Kelly đề cập đến đó là Việt Nam đã có những cải tiến về thủ tục hải quan và hiệu suất công việc. Tuy nhiên, việc kiểm toán sau nhập khẩu – được thực hiện thường xuyên nhưng phần lớn là không cần thiết – đang tạo gánh nặng cho các DN. Một DN phải trải qua hơn mười đợt kiểm tra chỉ trong một chu kì hai tháng mặc dù gần như không có lý do gì để Hải quan nhận định DN này là đơn vị nhập khẩu có nguy cơ và rủi ro cao.

Ông Michael Kelly cho rằng, Hải quan nên áp dụng một cách tiếp cận tập trung hơn đối với mục tiêu đánh giá là các đơn vị nhập khẩu có nguy cơ rủi ro cao, thay vì những thương nhân hợp pháp. Điều này bao gồm việc phân biệt rõ ràng hơn trong quá trình thông quan, kiểm tra hải quan, đánh giá giá cả và kiểm toán giữa các nhà nhập khẩu theo tiêu chuẩn chứng nhận DN ưu tiên đặc biệt (AEO) và nhà nhập khẩu thông thường.

Ngoài ra, các DN của Hoa Kỳ đang phải đối mặt với kiểm toán thuế định kỳ với các thủ tục dài dòng. Chúng tôi khuyến khích Chính phủ sử dụng các thủ tục của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đối với quy định về giá chuyển nhượng và thực hiện các phương pháp thỏa thuận trước về giá tính thuế hay còn gọi là APA, điều này đã được chờ đợi thực hiện từ lâu. Chúng tôi sẵn sàng làm việc, trao đổi thêm về các thủ tục của APA.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/doanh-nghiep-hoa-ky-dang-roi-trung-quoc-nhung-co-chon-viet-nam-19579.html