Doanh nghiệp hiến kế phát triển liên kết du lịch TP.HCM với Tây Bắc

Trong loạt giải pháp thúc đẩy liên kết du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc, các doanh nghiệp cho rằng thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng và điểm du lịch là cần thiết nhất.

Trao đổi với Zing, ông Võ Anh Tài - Phó tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Saigontourist - cho rằng đặc thù điểm đến TP.HCM chỉ có thể phát triển du lịch MICE, du lịch đô thị. Do đó, TP buộc phải liên kết với các địa phương khác nếu muốn đa dạng hóa thị trường và sản phẩm cho ngành du lịch.

Nhấn mạnh hơn về tầm quan trọng của liên kết du lịch trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định đây không chỉ là giải pháp vực dậy ngành du lịch mà còn là động lực để phục hồi nền kinh tế.

10 tháng đầu năm, lượng khách đến TP.HCM chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 81% so với cùng kỳ, trong khi số du khách đến 8 tỉnh Tây Bắc cũng giảm 40%, còn 7,6 triệu lượt.

Hợp tác đầu tư, xây dựng sản phẩm mới

Ông Nguyễn Thành Phong nói trái với TP.HCM, thế mạnh của các tỉnh Tây Bắc là du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Do đó, việc hợp tác giữa hai bên sẽ mang tính bổ trợ lẫn nhau, tạo ra nhiều chương trình du lịch đặc sắc.

Chiều 14/11, thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Phú Thọ) đã được kí kết trước sự chứng kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Hiệp hội du lịch các địa phương, các hãng hàng không và doanh nghiệp ngành du lịch đồng thời kí kết thỏa thuận hợp tác ngay sau đó.

 Doanh nghiệp du lịch TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng kí thỏa thuận hợp tác. Ảnh: P.T.

Doanh nghiệp du lịch TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng kí thỏa thuận hợp tác. Ảnh: P.T.

Trước mắt, sau khảo sát hồi tháng 7, các doanh nghiệp lữ hành của TP.HCM xây dựng 3 tuyến du lịch mẫu liên kết với các địa phương, trong đó một tuyến đã được Saigontourist khai thác.

Ông Võ Anh Tài cho biết doanh nghiệp đặt mục tiêu mỗi năm ra mắt 3 sản phẩm mới ở điểm đến Tây Bắc (về nguồn, văn hóa lịch sử, khám phá nghỉ dưỡng, ẩm thực, du lịch MICE), từ đó gia tăng bình quân 10-20% lượng khách. Những năm qua, hàng trăm nghìn lượt khách đã đến đây thông qua hệ thống của Saigontourist, mang về doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Trong khi đó, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho rằng Tây Bắc còn thiếu sản phẩm du lịch cao cấp, cần kêu gọi đầu tư các dịch vụ này để đa dạng hóa loại hình du lịch cho vùng.

Đồng thời, bà kiến nghị xây dựng các trung tâm mua sắm đạt tiêu chuẩn nhằm quảng bá sản vật địa phương, các mặt hàng truyền thống của các dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Với sự ra đời của Vietravel Airlines trong quý IV/2020, doanh nghiệp kỳ vọng có thể triển khai nhiều sản phẩm du lịch hơn, trong đó khu vực Tây Bắc là trọng tâm trong năm 2021. "Chúng tôi kỳ vọng sẽ phục vụ khoảng 40.000 khách đến vùng trong năm 2021", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng nói.

Ngược lại, về phía điểm đến TP.HCM, ông Võ Anh Tài cho biết cũng giới thiệu nhiều tour, tuyến dài ngày, đa dạng hoạt động để thu hút du khách từ vùng Tây Bắc. Bởi theo ông, liên kết cần mang tính đa chiều, nếu không chỉ công ty lữ hành hưởng lợi mà các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí trên địa bàn TP.HCM sẽ tiếp tục khó khăn.

Riêng trong hệ thống của Saigontourist, công suất phòng hiện đạt khoảng 40-50%, một số dưới 10%. Thậm chí, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong còn chia sẻ nhiều khách sạn chỉ đạt công suất dưới 8%. Do đó, liên kết hợp tác để tăng cường lượng khách hai chiều là điều quan trọng.

Mối lo về hạ tầng và du lịch bền vững

Chia sẻ với các lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ vọng những hoạt động liên kết này sẽ được nhân rộng trên nhiều cấp độ khác nhau, từ các vùng, các tỉnh đến từng nhà hàng, khách sạn.

Tuy vậy, vị lãnh đạo Chính phủ bày tỏ mối lo lớn nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng, từ hạ tầng giao thông về hàng không, đường bộ, đến hạ tầng y tế, văn hóa để phục vụ ngành du lịch.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp du lịch chiều 14/11. Ảnh: P.T.

Điều này phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch Tây Bắc những năm qua. Phó thủ tướng nhận định đây là vùng có tỷ lệ nguồn thu trên lượt khách thấp nhất trong 5 vùng du lịch trên cả nước, khi sở hữu 12% lượng khách tại Việt Nam nhưng chỉ đóng góp 5% doanh thu cho ngành du lịch. Trong khi đó, các tỉnh Đông Nam Bộ chiếm 26% tổng số du khách, nhưng đóng góp 33% doanh thu.

"Tôi đồng ý với quan điểm của các lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp vừa nêu rằng một trong những mũi nhọn cần chú trọng trong liên kết hiện nay là thu hút nhà đầu tư để đầu tư hạ tầng và các sản phẩm du lịch phong phú", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặt vấn đề về phát triển du lịch bền vững. Trước thực trạng một số điểm đến phát triển quá nóng, để lại hậu quả nặng nề về sau, ông mong muốn các doanh nghiệp chú trọng khi khai thác điểm đến, nhằm đảm bảo những liên kết hôm nay có thể là "của để dành cho con cháu về sau".

"Hợp tác giữa doanh nghiệp với người dân địa phương để phát triển du lịch cộng đồng là rất khó, nhưng điều này sẽ hỗ trợ sinh kế cho người dân, giúp xóa đói giảm nghèo, giúp bà con tiếp cận được những giá trị văn hóa bên ngoài địa bàn sinh sống", Phó thủ tướng khẳng định.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-hien-ke-phat-trien-lien-ket-du-lich-tphcm-voi-tay-bac-post1153021.html