Doanh nghiệp hiến kế để TPHCM khôi phục kinh tế hậu Covid-19

Các doanh nghiệp đề xuất với lãnh đạo TPHCM nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp thúc đẩy kinh tế TPHCM nhanh chóng hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%. Ảnh: N.H

Lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%. Ảnh: N.H

Sáng 3-10, UBND TPHCM tổ chức buổi tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dich Covid-19 hiện nay”.

76% doanh nghiệp chưa tiếp cận các gói hỗ trợ

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM phác thảo bức tranh chung của doanh nghiệp TPHCM gồm 4 nhóm.

Nhóm 1 là những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có lãi, chủ yếu nằm ở tài chính, ngân hàng, lương thực thực phẩm, chế biến, thiết bị máy móc, phòng chống dịch, đồ gỗ, công nghệ thong tin, hạ tầng kỹ thuật... Số lượng doanh nghiệp thuộc nhóm này chiếm khoảng 10-15%.

Nhóm 2 là những doanh nghiệp đang duy trì hoạt động, chờ cơ hội phục hồi chiếm chừng 20%.

Nhóm 3 là những doanh nghiệp năng lực sản xuất cạn kiệt, suy yếu về tài chính, nhân lực, thị trường bị thu hẹp quy mô, cung ứng đứt gãy, thu hẹp thị trường... Nhóm doanh nghiệp này đang thua lỗ, ngừng hoạt động chủ yếu nằm trong ngành du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí, bất động sản... chiếm tới 40-50%.

Nhóm 4 là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không đủ năng lực phải ngừng sản xuất, chấm dứt hoạt động chiếm 20%.

Cụ thể trong lĩnh vực dệt may, đại diện Hội May thêu đan TPHCM cho hay, trong quý 4, doanh nghiệp dệt may mới chỉ có khoảng 50% đơn hàng. Trong khi đó giá gia công đang giảm trung bình 10%, có những đơn hàng giảm tới 15%. Từ nay tới cuối năm, các doanh nghiệp dệt may vẫn phải cho nghỉ 20-50% doanh nghiệp.

Về việc tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Dũng cho biết có tới 76% doanh nghiệp được hỏi chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của nhà nước. Chỉ có 10% doanh nghiệp đã được ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay...; 5% doanh nghiệp tiếp cận hỗ trợ về tạm ngừng đóng hưu trí và chưa có doanh nghiệp nào được vay gói lãi suất 0%.

Cũng theo ông Dũng, hầu hết doanh nghiệp không tiếp cận được gói vay hỗ trợ để trả lương lao động vì doanh nghiệp lo thủ tục để vay được gói này còn khó hơn vay bình thường. Ngân hàng chủ yếu cho vay khách hàng quen, còn khách hàng mới rất ít.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn, giảm thuế…

Kiến nghị để phục hồi, thúc đẩy kinh tế TPHCM, các doanh nghiệp đều cho rằng cần có chính sách đẩy mạnh kích cầu du lịch, mua sắm tiêu dùng. Bên cạnh đó, NHNN cần cải thiện các điều kiện cho vay, có thể cho doanh nghiệp vay bằng cách thẩm định các nguồn thu dòng tiền, phương án kinh doanh, tín chấp...

Ngoài ra, ông Chu Tiến Dũng cho rằng, thành phố cần hỗ trợ triển khai chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp.

"TPHCM cần thực sự đồng hành doanh nghiệp lâu dài để phục hồi sản xuất, đề xuất ngân hàng mở rộng các điều kiện, giảm lãi suất cho vay, doanh nghiệp được vay nhiều hơn, lãi suất thấp hơn, điều kiện thuận lợi hơn. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước cần hạn chế kiểm tra, thanh tra trong đợt dịch này để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh", ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng nêu ý kiến, bên cạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ, cần tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến các quy định về tiền sử dụng đất để giải tỏa ách tắc cho các dự án trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà

Hội May thêu đan TPHCM cũng đề xuất giảm thuế 30% cho tất cả doanh nghiệp, giảm thuế GTGT xuống 5% và cho phép doanh nghiệp khấu trừ lỗ 2020 vào phần quyết toán 20% của năm 2019.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho hay, lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%. Tính đến ngày 30/9, trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng và làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố hơn 21.000 tỷ đồng

Trước tình hình đó, TPHCM đã thành lập Hội đồng phát triển kinh tế ngành, gồm lãnh đạo sở, ngành, các chuyên gia và cả hiệp hội, doanh nghiệp tham gia. Từ đó sẽ tập hợp được nhiều ý kiến, đề xuất giá trị, thiết thực hơn, có những giải pháp kịp thời, hiệu quả để khôi phục, phát triển kinh tế TPHCM.

Theo ông Phong, việc phục hồi kinh tế thành phố phải bắt đầu từ phục hồi hoạt động của doanh nghiệp bởi chính doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm. Đây cũng chính là bộ phận góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-hien-ke-de-tphcm-khoi-phuc-kinh-te-hau-covid-19-134481.html