Doanh nghiệp hiến kế bảo vệ môi trường biển

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Lê Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP Thiết bị trường học Việt Nam đề xuất một số biện pháp để bảo vệ môi trường biển, chống sạt lở bờ biển, ngăn xâm thực và triều cường.

Theo ý kiến của ông Lê Anh Dũng, Việt Nam có bờ biển dài và đẹp, nhưng nếu chỉ biết khai thác mà không biết chăm sóc thì có nguy cơ bị hủy hoại. Bờ biển nhiều nơi bị xâm thực và chưa có phương pháp xử lý thích hợp. Phương pháp đang sử dụng hiện nay là chống xâm thực, ví dụ như Cửa Đại, Bình Thuận, Thanh Hóa, Đông và Tây đất Mũi… Như KS. Nguyễn Đình Vượng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã phân tích và kết luận, nguyên nhân xâm thực chủ yếu là do sóng.

Ông Dũng nhận thấy, Việt Nam đang sử dụng chủ yếu là phương pháp thụ động, tức là đối đầu với sóng. Cụ thể, ở Cửa Đại nếu vẫn giữ cách làm như vậy thì tiền mất tật vẫn mang. Do vậy, ông đề nghị thay đổi sang cách tiếp cận chủ động, tức là ngăn sóng và phá sóng bằng bức tường ngăn sóng cách bờ khoảng từ 100m, phụ thuộc cấu trúc thực tế của bờ biển tại đó, thay vì đóng cọc sâu 8m sát bờ. Với phương pháp này không những chống được sạt lở mà còn lấn ra được biển.

Giải pháp trước mắt là 88 điểm sạt lở dọc bờ biển miền Trung phải tiến hành xử lý theo phương pháp chủ động. Phía Đông và Tây đất Mũi nên hình thành bức tường ngăn sóng vừa chống sạt lở vừa ngăn triều cường.

Nhà nước cần thiết lập một chương trình nghiên cứu kết hợp xử lý triệt để rác thải của Formosa, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân… với chương trình ngăn xâm thực và triều cường biển bằng bức tường công ten nơ bê tông chứa rác thải.

Như vậy, theo ông Dũng, chúng ta sẽ kiểm soát được một cách chủ động để các nhà máy không xả rác thải, nước thải ra biển và chương trình sẽ tạo ra nhiều việc làm tích cực.

Về các đề xuất của ông Lê Anh Dũng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và triển khai các nhiệm vụ về quản lý tổng hợp biển, hải đảo, trong đó chú trọng xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách; nhiều văn bản quan trọng đã được ban hành như: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Chiến lược và Kế hoạch thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược và Kế hoạch thực hiện chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và nhiều văn bản dưới luật khác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ giải pháp bảo vệ, phòng chống sạt lở bờ biển.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương trong công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 9/2/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 về thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW. Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của ông Lê Anh Dũng để xử lý các điểm sạt lở dọc bờ biển nước ta theo phương pháp chủ động, khoa học và phù hợp thực tế.

Về đề xuất Nhà nước cần thiết lập một chương trình nghiên cứu kết hợp xử lý triệt để chất thải rắn công nghiệp của Formosa, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân với chương trình ngăn xâm thực và triều cường biển bằng bức tường công ten nơ bê tông chứa rác thải: Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn ủng hộ các sáng kiến đề xuất ứng dụng công nghệ mới trong việc xử lý các loại chất thải kết hợp với ứng phó thiên tai và bảo vệ môi trường.

Ở Việt Nam, phương pháp mà ông Lê Anh Dũng đề xuất chưa được áp dụng trên thực tiễn. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ xử lý chất thải mới nếu không có biện pháp quản lý tương ứng phù hợp có thể sẽ dẫn đến các sự cố ngoài mong muốn, gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường thứ cấp.

Do vậy, đề xuất của ông Lê Anh Dũng cần được nghiên cứu, xây dựng thành đề án chi tiết và được thẩm định bởi các cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà khoa học để đánh giá tổng thể trước khi đưa vào áp dụng trên thực tế.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/doanh-nghiep-hien-ke-bao-ve-moi-truong-bien/361575.vgp