Doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam

Dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến các quyết định mở rộng đầu tư của các DN nước ngoài tại Việt Nam. Trò truyện với phóng viên Báo Hải quan, ông HONG SUN, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) cho biết, các DN nước ngoài tại Việt Nam vẫn có nhu cầu mở rộng đầu tư, nên vấn đề là phải tạo điều kiện giúp các DN vượt qua khó khăn, không cản trở quá trình đầu tư, phát triển.

Ông HONG SUN, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM)

Ông HONG SUN, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM)

Ông đánh giá như thế nào về tình hình mở rộng đầu tư của các DN Hàn Quốc tại Việt Nam hiện nay?

- Mặc dù do ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhưng Việt Nam vẫn là một thị trường đầu tư đầy hấp dẫn với các DN Hàn Quốc nói riêng và DN nước ngoài nói chung. Vì thế, nhiều DN, tập đoàn lớn Hàn Quốc vẫn có nhu cầu mở rộng đầu tư từ dự án cũ và đầu tư các dự án mới. Theo đó, các DN Hàn Quốc đang thăm dò, mở rộng đầu tư vào thị trường tài chính, các công ty chứng khoán hàng đầu, theo hình thức đầu tư gián tiếp mua cổ phần, cổ phiếu… hoặc đầu tư vào các dự án mà Chính phủ hai nước quan tâm. Về đầu tư trực tiếp thì cũng có nhiều DN đã thực hiện mở rộng nhà máy, cơ sở sản xuất để tăng năng lực kinh doanh, đón đầu cơ hội mà Việt Nam mang lại.

Tuy nhiên, các hoạt động vẫn chưa thực sự “nở rộ” như tiềm năng. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Nguyên nhân lớn nhất tác động đến quyết định đầu tư thêm, mở rộng mới của các DN nước ngoài là vấn đề đi lại của chuyên gia, DN do tác động của đại dịch Covid-19. Các đường bay vẫn có nhưng các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam phải cách ly và kiểm tra y tế nghiêm ngặt, thời gian cách ly có thể lên tới nửa tháng đến 1 tháng. Do đó, những DN có điều kiện mở rộng sản xuất, đầu tư thường là đã có nhân lực ở tại Việt Nam, nếu không thì rất khó khăn.

Đơn cử, gần đây, một tập đoàn Hàn Quốc muốn đầu tư thêm 300-400 triệu USD vào lĩnh vực điện tử tại Việt Nam, sau khi đã thành công với dự án đầu tư hơn 100 triệu USD trước đó. Tuy nhiên, muốn đầu tư nhiều như vậy thì cần phải có đội ngũ chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam từ hàng chục đến cả trăm người, nhưng việc đi lại và chi phí phát sinh trong thời gian cách ly 14 ngày là rất lớn, nên vẫn phải chờ đợi thêm một thời gian nữa tùy theo diễn biến dịch bệnh để có phương thức hợp lý hơn.

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để các DN có thêm nhiều quyết định đầu tư trong thời gian tới?

- Việt Nam là thị trường luôn được các DN Hàn Quốc quan tâm và sẽ còn tiếp tục mở rộng đầu tư. Do đó, Chính phủ cần phải tạo thêm không khí, có những thông tin tích cực để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Hơn nữa, Việt Nam cần “chăm sóc” tốt cho những DN đã và đang đầu tư tại Việt Nam, nhất là những DN đã thành công. Bởi các DN nước ngoài phải thành công dự án giai đoạn 1 mới có động lực và triển vọng để bước tiếp các giai đoạn tiếp theo. Hơn nữa, các DN nước ngoài thành công tại Việt Nam sẽ giúp truyền thông, quảng bá về môi trường đầu tư, kinh doanh với các đối tác, bạn hàng và đồng nghiệp quốc tế với thông điệp “Việt Nam là chìa khóa thành công”…

Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư bị căng thẳng, khó khăn do một số quy định, điều kiện kinh doanh vô lý hay nhân viên, cán bộ công chức nhà nước cố tình làm sai… sẽ ảnh hưởng mạnh đến uy tín của Việt Nam cũng như xu hướng đầu tư của DN nước ngoài nói chung, DN Hàn Quốc nói riêng.

Những vấn đề trên cho thấy, các nhà đầu tư cần nhiều yếu tố để phát triển mở rộng. Do đó, Chính phủ Việt Nam cũng cần cải thiện và tạo điều kiện cho các DN nước ngoài vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Bởi bối cảnh này không chỉ DN trong nước khó khăn mà nhiều DN nước ngoài cũng gặp khó, nên phải có chính sách ưu đãi cho những DN lành mạnh nhưng tạm thời khó khăn để có đủ khả năng phát triển, tránh ảnh hưởng đến tình hình lao động của doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA):

Nhiều tiềm năng để doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư

Tuy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án, nhưng vẫn có xu hướng một số DN nước ngoài có ý định sẽ mở rộng đầu tư hoặc sẽ liên kết với các DN Việt Nam để tạo thêm lợi thế cho mình tại Việt Nam. Theo tôi, khi đầu tư tại Việt Nam, nhiều DN nước ngoài cho rằng là do Việt Nam có lợi thế về môi trường đầu tư luôn được cải thiện, ổn định chính trị, vị trí địa lý thuận lợi, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cho nên cần phát huy lợi thế này để đón đầu cơ hội chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam. Nhất là trong thời gian qua, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc nỗ lực phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực.

Đặc biệt, với việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do trong những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Thị trường logisitcs tại Việt Nam được đánh giá cao, đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Đây chính là lý do khiến nhiều DN nước ngoài nhìn nhận Việt Nam là thị trường nhiều tiềm năng để tiếp tục đầu tư.

Xuân Thảo (ghi)

Hương Dịu (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-han-quoc-se-tiep-tuc-dau-tu-tai-viet-nam-132528.html