Doanh nghiệp gỗ trong nước áp đảo về xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước đã vượt qua doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dù những năm trước đây khối doanh nghiệp ngoại hoạt động ngành này luôn áp đảo về tỉ lệ kim ngạch xuất khẩu.

Sản phẩm gỗ của một doanh nghiệp Việt Nam được trưng bày ở một triển lãm chuyên ngành tại TPHCM. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Thông tin này được lãnh đạo Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) chia sẻ với báo chí ngày 6-8, trước thềm Hội nghị của Chính phủ về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu sẽ diễn ra vào ngày 8-8 tới tại TPHCM do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức.

Cụ thể trong những năm trước đây khối doanh nghiệp FDI hoạt động ngành này luôn chiếm tỉ lệ xuất khẩu cao hơn khối doanh nghiệp trong nước và có những năm chiếm đến trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng theo lãnh đạo HAWA, trong 3 năm gần đây (2015, 2016 và 2017), khối doanh nghiệp nội địa hoạt động ngành này đã vươn lên chiếm đến 53% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong cả nước. Tình hình cho thấy doanh nghiệp trong nước hoạt động này ngành này đang có lợi thế hơn về xuất khẩu so với khối doanh nghiệp FDI.

Giải thích về sự tăng trưởng cao này của khối doanh nghiệp trong nước, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cho rằng bên cạnh lượng doanh nghiệp mới trong nước tham gia ngành này nhiều hơn, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước trong những năm gần đây cũng đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư thiết bị công nghệ mới hiện đại, được nhiều khách hàng tín nhiệm cao. Có những khách hàng lớn trước đây chủ yếu do doanh nghiệp FDI cung cấp, thì doanh nghiệp trong nước đã thay thế được và có khả năng cạnh tranh tốt hơn.

Đáng chú ý, theo người đứng đầu HAWA, những năm gần đây, thế hệ kế thừa của doanh nghiệp hoạt động ngành này đã cho thấy sự quyết tâm của việc tiếp nối tham gia phát triển ngành mạnh mẽ hơn và doanh nghiệp khởi nghiệp ngành này trong nước cũng tăng lên.

Liên quan đến xuất khẩu ngành này, theo HAWA, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đã và đang là ngành có đóng góp tích cực vào GDP của cả nước. Với lợi thế nguyên liệu rừng trồng, con người, kinh nghiệm lẫn chính sách, chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đang tăng trưởng cao và trở thành 5 thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của thế giới.

Năm 2017 ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trị giá 8 tỉ đô la Mỹ, là một trong top 7 ngành đứng đầu cả nước về giá trị xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2018, theo số liệu của Bộ Công Thương, doanh thu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam đã đạt 4,13 tỉ đô la, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo HAWA, các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước hiện đều thông báo đơn hàng đã kín từ này đến hết 2018, khiến mục tiêu xuất khẩu 9 tỉ đô la trong năm nay sẽ thành hiện thực, thậm chí có thể vượt xa. Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu đạt 26 triệu đô la đến 200 triệu đô la/năm và tốc độ tăng trưởng hàng năm đều từ 5-7% so với năm trước.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch HAWA, mặt hàng đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu được các thị trường trên thế giới đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Các thị trường chính nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam hiện nay là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản,…

Theo HAWA, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phát triển mạnh trong những năm qua có nguyên nhân từ diện tích rừng trồng trong nước tăng. Tỉ lệ sử dụng gỗ rừng trồng trong nước tăng từ 36% trong năm 2005 lên 52% trong năm 2017 và kỳ vọng sẽ tăng lên 55% năm 2020. Tỉ lệ nhập khẩu nguyên liệu giảm từ 64% xuống 45% hiện nay. Nếu tận dụng tốt các điều kiện về thị trường, đầu tư máy móc trang thiết bị, gia tăng giá trị thiết kế, giảm giá trị gia công, ngành gỗ sẽ mang lại giá trị lợi nhuận đáng kể.

Đối với thị trường đồ gỗ trong nước, HAWA và các doanh nghiệp trong ngành nhận định thị trường đồ nội thất trong nước vẫn còn tiềm năng phát triển, doanh thu trung bình đạt khoảng 2 tỉ đô la/năm trong 5 năm gần đây. Và hiện doanh nghiệp trong nước đang chiếm lĩnh thị trường nội địa chiếm hơn 90% thị phần.

Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” vào ngày 8-8 tại TPHCM do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Ông Nguyễn Quốc Khanh, cho biết, đây là lần đầu tiên Chính phủ trực tiếp lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp trong ngành.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276583/doanh-nghiep-go-trong-nuoc-ap-dao-ve-xuat-khau.html