Doanh nghiệp gỗ dán: Nhìn lại để làm tốt hơn

Ngành gỗ dán trong nước đang đối mặt với việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế. Dù chưa đưa ra những kết luận cuối cùng, nhưng đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) trong ngành nhìn lại mình. Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Liên quan đến quyết định của Hoa Kỳ về điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với gỗ dán của Việt Nam, ông có thể cho biết về những giải pháp của Hiệp hội để tháo gỡ cho DN?

DOC đã có những thông báo về các thủ tục khởi kiện đối với gỗ ván ép của Việt Nam, làm ngành gỗ trong nước lao đao. Về vấn đề này, Cục Phòng vệ Thương Mại (PVTM) - Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Vifores, đồng thời Hiệp hội cũng đã có cuộc họp với toàn bộ các DN ngành gỗ dán tại TP. Hồ Chí Minh, phối hợp cùng Bộ Công Thương và Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Cuộc họp đã đưa ra nhiều vấn đề, trong đó cấu trúc lại ngành gỗ dán và xác định thị trường của ngành để không phụ thuộc nhiều vào thị trường hiện đang có tính cạnh tranh và đặc biệt là vấn đề tiếp tay lẩn tránh thương mại sản phẩm gỗ dán.

Trên thực tế, ngành gỗ dán trong nước còn non trẻ so với sự phát triển chung của ngành lâm nghiệp. Do đó, việc xác định lại thị trường bán hàng. Cấu trúc lại sản xuất để đa dạng sản phẩm là vấn đề cần được quan tâm.

Thưa ông, đây là cơ sở để Hoa Kỳ ra phán quyết kiện đối với gỗ dán Việt Nam?

Nguyên tắc để họ khởi kiện dựa trên hai góc độ. Thứ nhất, sự chuyển dịch về CBPG, nguồn hàng chuyển dịch về chống xuất xứ. Thứ hai, sản lượng của nước sở tại tăng đột biến. Việt Nam rơi cả vào hai trường hợp này.

Nếu tiến đến khởi kiện, Mỹ sẽ gửi bản câu hỏi đến các DN xuất khẩu có liên quan của Việt Nam và đề nghị cung cấp thông tin, trả lời. Phía Hiệp hội và các DN ngành gỗ dán sẽ phối hợp trả lời. Theo tôi được biết, mức thuế CBPG mà quốc gia này sẽ áp dụng là từ 4% đến hơn 200%, tùy theo từng cấp độ của DN về chi phí sản xuất, chi phí nguyên liệu, chi phí trợ giá của Chính phủ… Nhưng tôi tin rằng, các DN ngành gỗ dán đích thực của Việt Nam nếu có bị áp mức thuế CBPG thì mức thuế sẽ rất thấp.

Trước những thách thức trên, theo ông cần làm gì để kiểm soát các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không nghiêm túc vào ngành gỗ?

Bên cạnh thách thức, ngành gỗ trong nước đang đứng trước những cơ hội rất lớn. Vì vậy, đang nhận được sự quan tâm của nhiều dự án FDI. Tuy nhiên, cũng giống như các dự án FDI ở các ngành hàng khác, chúng ta không thể đưa ra luật riêng đối với ngành gỗ dán mà phải theo luật chung của quốc tế. Chúng ta vẫn phải mở cửa, tiếp đón các nhà đầu tư nước ngoài. Song, cần phải kiểm soát dự án về điều kiện để thực hiện, đặc biệt là các điều kiện về môi trường, chính sách xã hội, quy mô dự án, chính sách công nghệ, quy mô đầu tư. Đồng thời, bảo đảm việc sản xuất thật, sản xuất đúng pháp luật tại Việt Nam.

Cùng với đó, phải cấm những dự án đầu tư núp bóng, thành lập ra các công ty thương mại, làm các kho bãi, nhập hàng về và sử dụng nhiều thủ thuật dán xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Các bộ, ngành, hiệp hội đang yêu cầu các DN được phía Hoa Kỳ đề cập phải nghiêm túc trong việc khai báo, giải thích với phía bạn. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, không để tình trạng lợi dụng xuất xứ, vì đây là vấn đề pháp luật Việt Nam không cho phép.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-go-dan-nhin-lai-de-lam-tot-hon-143414.html