Doanh nghiệp giấy nội không cẩn trọng dễ đánh mất thị phần

Với những bước đi mạnh mẽ tromg việc mở rộng đầu tư, TS. Vũ Ngọc Bảo, chuyên gia ngành giấy cho biết: 'Doanh nghiệp FDI sẽ chiếm hơn 50% thị phần ngành giấy trong một vài năm tới'.

Doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước đang bị lệ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu (Ảnh TL)

Doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước đang bị lệ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu (Ảnh TL)

Hiện nay, nhu cầu về giấy của thị trường thế giới đặc biệt là thị trường Trung Quốc đang rất lớn vì thế nó được xem là miếng bánh ngon của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, “miếng bánh” thị trường Trung Quốc này lại không thuộc về các doanh nghiệp nội mà dường như chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều doanh nghiệp đã xuất 100% sản phẩm sang thị trường Trung Quốc và họ đang tích cực nhất trong việc mở rộng sản xuất.

Cụ thể, liên doanh giữa doanh nghiệp Thái Lan và Nhật Bản đó là Công ty TNHH Giấy Vina Kraft. Mới đây, nhà đầu tư này đã khánh thành nhà máy sản xuất giấy và bao bì thứ hai ở Bình Dương, nâng công suất sản xuất giấy của Vina Kraft tại hai nhà máy ở Bình Dương lên 500.000 tấn/năm.

Ngoài ra, một nhà máy sản xuất giấy khác thuộc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, do Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc làm chủ đầu tư với 100% vốn nước ngoài ở Hậu Giang với công suất 420.000 tấn/năm, cũng đang được xây dựng.

Trên thực tế, quy mô của một số nhà đầu tư nước ngoài trong ngành giấy ngày càng lớn (đa phần có công suất 500.000 tấn/năm), đang là mối đe dọa về sự tồn tại của những doanh nghiệp giấy nội thuộc dạng nhỏ có công suất dưới 10.000 tấn/năm.

Đây có lẽ là thực tế không chỉ của ngành công nghiệp sản xuất giấy mà dường như còn là thực trạng chung của nhiều ngành khác của Việt Nam. Và thực sự là “bài toán” cần sớm có lời giải khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng và độ mở của thị trường lớn. Cơ hội để giữ hay lấy được thị phần sẽ có phần khó khăn hơn.

Theo ông Đặng Văn Sơn, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, các nhà máy giấy công suất lớn mới có thể đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh nhưng thực tế sản xuất của các nhà máy giấy trong nước hiện nay chưa đáp ứng được. Doanh nghiệp giấy trong nước đa phần có công suất dưới 10.000 tấn/năm, còn công suất của doanh nghiệp nước ngoài lại lớn gấp 50 lần con số đó.

Nhiều chuyên gia cho rằng vốn vay để đầu tư chính là nỗi ám ảnh lớn nhất bởi nếu vay thương mại, doanh nghiệp không gồng gánh nổi lãi suất, trong khi đó lại chưa có nguồn quỹ đầu tư nào cho ngành giấy.

Bên cạnh vốn, một vấn đề đáng lo khác là doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước đang bị lệ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu, có những mặt hàng phải nhập khẩu đến 50%.

Thị trường giấy bao bì Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 được dự báo với doanh nghiệp trong nước sẽ chiếm khoảng 51%, doanh nghiệp FDI chiếm 49% thị phần còn lại. Nhiều chuyên gia lo ngại con số này có thể sẽ bị đảo ngược nếu như các doanh nghiệp Việt không kịp thời khắc phục khó khăn và có những chiến lược phát triển mới.

Trước những yêu cầu cấp thiết, một số doanh nghiệp lớn trong ngành giấy cũng đã có những động thái tích cực. Như công ty CP Tập đoàn Tân Mai (Đồng Nai) bắt đầu đẩy mạnh đầu tư một số dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy mới như Nhà máy Bột giấy và Giấy Tân Mai - Kon Tum (quy mô 70.000 tấn bột hóa nhiệt cơ/năm, tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng để có thể hoạt động trong quý I/2020)

Hay dự án Nhà máy Giấy Tân Mai - Miền Đông (công suất thiết kế 200.000 tấn giấy bao bì công nghiệp/năm, tổng vốn đầu tư 2.757 tỷ đồng), công ty này cũng đang triển khai thực hiện hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất thử vào đầu năm 2020.

Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm hoi, không phải doanh nghiệp giấy nội địa nào cũng đủ sức huy động nguồn vốn để đầu tư vào các nhà máy giấy có công suất lớn như vậy.

Trong ngành này, các nhà máy giấy có công suất lớn mới có thể đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh. Còn thực tế hiện nay, với công suất của các nhà máy giấy trong nước thì sức cạnh tranh rất khó khăn, đòi hỏi phải cơ cấu cấu lại, xây dựng những nhà máy mới có công suất đủ lớn, hiện đại để có thể cạnh tranh trong thời gian tới.

Đức Minh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/doanh-nghiep-giay-noi-khong-can-trong-de-danh-mat-thi-phan-42221