Doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường: Ai 'chống lưng' cho sai phạm?

Mặc dù chỉ được phép cải tạo khu đất tại đồi Vực Trống (xóm Trà Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) để phục vụ xây dựng nông thôn mới trong địa bàn xã và phụ cận, nhưng doanh nghiệp đã khai thác đất, đem bán cho các công trình xây dựng ngoài địa phương.

Và đặc biệt, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe tải lớn nhỏ, lấy đất đưa đi bán trái quy định, gây ô nhiễm môi trường, phá hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, người dân phản ánh nhưng không được ngăn chặn, xử lý…

Hợp thức hóa đất rừng để khai thác đất
Những ngày này, người dân thôn Trà Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh vô cùng bức xúc trước việc Công ty TNHH Hân Thương (có trụ sở đóng tại TX. Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) tới khu vực đồi Vực Trống, xã Phú Lộc để khai thác đất, chở ra các vùng khác bán gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Người dân đã làm đơn phản ánh lên chính quyền địa phương xã, huyện, tỉnh nhưng tình trạng này không được xử lý dứt điểm.
Theo người dân ở xóm Trà Sơn, vùng đất mà doanh nghiệp Hân Thương khai thác đất đưa đi bán thuộc đất lâm nghiệp được giao quyền sử dụng cho ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó trưởng Công xã Phú Lộc. Ông Chiến được thuê với thời hạn 50 năm và đang trồng cây cao su cùng một số loại cây lâm nghiệp khác. Hiện tại, ông Chiến giao cho doanh nghiệp mua đất làm thủ tục cải tạo vườn rừng với mục đích phục vụ nông thôn mới trên địa bàn xã…
Ông Lê Xuân Lịch, Trưởng xóm Trà Sơn bức xúc: “Việc ai khai thác đất và bán đất thì với thẩm quyền của xóm không can thiệp được. Nhưng rõ ràng là khai thác đất sai mục đích, bán ra khỏi địa phương là vi phạm quy định về bảo vệ tài nguyên quốc gia. Trong khi đó, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải chở đất chạy trên con đường bê tông của xóm gây bụi mù mịt, ô nhiễm môi trường và mất an toàn cho người đi đường. Chưa nói đến đây là con đường cứu hộ đập thủy lợi Vực Trống, nếu tình trạng này kéo dài, con đường bê tông này sẽ bị hỏng”.

“Chủ doanh nghiệp đưa máy móc, phương tiện vào hoạt động cả ngày lẫn đêm, xẻ tan cả quả đồi để lấy đất mang đi, băm nát con đường liên thôn, làm thất thoát nguồn thu của Nhà nước như: Thuế tài nguyên, phí cấp phép khai thác hay phí bảo vệ môi trường. Cả khu vực núi gần hồ thủy lợi Vực Trống này đã bị băm nát, ở nhà cứ phải đóng cửa lại, vì bụi bay hết vào nhà…” – anh Lê Văn L. một người dân cho hay.

Có lực lượng “bảo kê” cho doanh nghiệp?
Điều đáng nói ở đây là việc khai thác, vận chuyển đất trái phép diễn ra rầm rộ và ngang nhiên nhưng chính quyền xã Phú Lộc dường như không có phản ứng.

Mỗi ngày, hàng chục chiếc xe tải lớn nhỏ ra vào chở đất tại khu vực đất trồng cây lâm nghiệp.

Mỗi ngày, hàng chục chiếc xe tải lớn nhỏ ra vào chở đất tại khu vực đất trồng cây lâm nghiệp.

Sáng ngày 14/1, sau khi nhận được phản ánh của người dân xóm Trà Sơn, chúng tôi có mặt tại địa phương và đã chứng kiến cảnh khai thác đất rầm rộ tại khu vực này. Khu vực doanh nghiệp đang khai thác là một quả đồi rộng, bốn phía là rừng cây lâm nghiệp. Tại khu vực này có nhiều loại máy xúc đang hoạt động liên tục, có chỗ máy khoét sâu vào quả đồi tạo thành vách thẳng đứng cao hơn 10m. Vô số xe tải nối đuôi nhau đi lại trên con đường cứu hộ, cứu nạn đập Vực Trống. Chúng tôi đã theo xe tải chở đất thì thấy những xe này rời khỏi địa bàn xã Phú Lộc đi về nhiều hướng, trong đó nhiều xe chạy về xã Gia Hanh theo hướng xã Song Lộc.
Vì là ngày thứ 7, UBND xã nghỉ làm việc nên chúng tôi nhiều lần gọi điện cho Chủ tịch xã Phú Lộc để tìm hiểu sự việc nhưng ông này không nhấc máy.
Trưởng xóm Trà Sơn cho biết, vào tháng 7/2017, ông Chiến đã cho khai thác đất chở đi khi chưa có giấy phép, nay doanh nghiệp hợp thức hóa được thủ tục thì lại chở đất đi ra địa phương khác bán là sai phạm nghiêm trọng. Cấp phép cải tạo vườn đồi để phục vụ nông thôn mới mà trong địa bàn xã không hề đổ được một xe thì hỏi cấp phép này là nhằm mục đích gì…? – ông Lê Xuân Lịch đặt câu hỏi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hân, Giám đốc Công ty TNHH Hân Thương khẳng định rằng, Công ty ông được tỉnh cấp giấy phép khai thác, có thời hạn 18 tháng trên diện tích 1,3ha, sau đó sẽ gia hạn thêm... Phân trần về việc để có được giấy phép cải tạo khai thác này, ông Hân cho rằng, công ty có cổ phần của một số cán bộ trên huyện và được một nhà báo đứng ra lo thủ tục…
Vậy làm sao công ty này có thể hợp thức hóa được diện tích đất trồng cây lâm nghiệp của Phó trưởng Công an xã thành mỏ khai thác đất, hoạt động ngang nhiên không bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý…, chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra làm rõ và thông tin đến bạn đọc.

D.B

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/dieu-tra-theo-don-thu/doanh-nghiep-gay-o-nhiem-moi-truong-ai-chong-lung-cho-sai-pham-49022.html