Doanh nghiệp gấp rút 'đón' CPTPP

Đến ngày 30-12-2018, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP sẽ có hiệu lực. Tại Đồng Nai, các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị để có thể nắm bắt ngay cơ hội.

Sản xuất linh kiện điện tử cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu tại Công ty TNHH Sowell Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).

Theo quy định của CPTPP chỉ cần 6 quốc gia phê chuẩn thì hiệp định chính thức được thông qua. Đến nay, đã có 7 quốc gia phê chuẩn, thông qua CPTPP là: Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand, Australia và Việt Nam; còn 4 quốc gia chưa phê chuẩn CPTPP là Malaysia, Brunei, Chile và Peru.

* Nhiều ngành hưởng lợi

Tuy không còn Hoa Kỳ tham gia nhưng CPTPP với 11 thành viên vẫn là thị trường lớn được nhiều DN tại Đồng Nai trông đợi. Vì đây vẫn là nhóm nền kinh tế chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tương đương 10 ngàn tỷ USD/năm. Khi hiệp định có hiệu lực, trong vòng 7 năm, hầu hết các mặt hàng sẽ có thuế xuất, nhập khẩu về 0%, hàng hóa sẽ tăng được khả năng cạnh tranh so với hàng của các nước không tham gia hiệp định đang xuất vào thị trường này. Đồng thời, các DN cũng dễ dàng tiếp cận các máy móc, thiết bị hiện đại để nâng năng suất, chất lượng, hàng hóa dễ dàng xuất sang những thị trường khác.

Theo Bộ Công thương, hiện Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, 10 FTA đã ký kết có hiệu lực, 2 FTA đã ký kết, sắp có hiệu lực, 2 FTA đã kết thúc đàm phán và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán.

Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho biết: “Nhiều DN ngành gỗ rất trông đợi CPTPP có hiệu lực, vì các quốc gia thành viên là thị trường nhập khẩu nguyên liệu gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn của Đồng Nai. Không còn thuế nhập khẩu gỗ, DN sẽ hạ giá thành sản xuất, sản phẩm làm ra xuất sang những thị trường khác sẽ tăng sức cạnh tranh”.

Cũng theo ông Bình, bên cạnh những ưu đãi thì cũng sẽ đi kèm những khó khăn là DN phải đáp ứng các điều kiện về chính sách cho người lao động, môi trường, quy định nhà xưởng... Tuy nhiên, các DN ngành gỗ đã có chuẩn bị từ trước nên khi CPTPP có hiệu lực, sẽ không bỡ ngỡ và có thể tận dụng ngay cơ hội lớn.

Theo ông Yoo Sun Hyung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hyosung Việt Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch), Hyosung đã có sự chuẩn bị từ cách đây 2-3 năm nên rất trông đợi các điều khoản của CPTPP sớm được áp dụng nhằm mở rộng xuất khẩu vào thị trường này, hưởng các ưu đãi về thuế do hiệp định đem lại.

Các DN ngành may mặc, giày dép, máy móc thiết bị, điện tử, linh kiện điện tử... cũng cho rằng CPTPP là thị trường lớn nên thời gian qua đã tranh thủ tìm nguồn nguyên liệu nội địa hoặc từ các nước cùng tham gia hiệp định.

* Đòi hỏi nguyên liệu khắt khe

Thế nhưng, để đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa không dễ vì “yếu điểm” về nguyên liệu có thể là bước cản kìm chân các DN hưởng lợi thế từ thị trường trên.

Theo nhiều dự đoán thì ngành dệt may, giày dép sẽ có thêm lợi thế tiếp cận, mở rộng xuất khẩu vào những thị trường lớn như: Canada, Australia, Chile... Nhưng thực tế, theo các thỏa thuận của CPTPP, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa tương đối khó khăn. Đơn cử như hàng may mặc muốn hưởng thuế bằng 0% phải đáp ứng được từ khâu sợi, vải sản xuất trong nước hoặc nhập từ các nước cùng tham gia CPTPP. Trong khi đó, nguyên liệu cho ngành dệt may, giày dép, điện tử, linh kiện của Việt Nam hiện nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đến 60-80%.

Tuy nhiên, khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam là một trong những nước ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nhất thế giới. Việc này giúp cho thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tốt hơn, bởi nhiều DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị... sẽ vào nước ta đầu tư để cung ứng nguyên phụ liệu cho các DN Việt, DN nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai cho hay: “Ngoài những đơn hàng do khách hàng yêu cầu, còn lại công ty ưu tiên tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Gần đây, nhiều DN nước ngoài đã vào Việt Nam đầu tư ngành sợi, dệt để đáp ứng nhu cầu của DN nên việc tìm nguồn nguyên liệu trong nước không quá khó khăn”. Khoảng 2 năm nay, rất nhiều DN Trung Quốc, Đài Loan đến Đồng Nai thuê xưởng để sản xuất sợi, vải, da, chi tiết máy móc cung ứng cho thị trường nội địa.

Ông Peter Wu, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Đài thương tại Đồng Nai cho biết: “Có nhiều DN của Đài Loan trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang tìm vị trí thuê xưởng, đất xây dựng nhà máy sản xuất tại Đồng Nai để cung ứng sản phẩm cho các công ty trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. CPTPP có hiệu lực, sẽ có nhiều DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đến Đồng Nai cũng như Việt Nam đầu tư để hưởng các ưu đãi từ hiệp định mang lại”.

Thời gian CPTPP có hiệu lực chỉ còn hơn 1 tháng. Để hưởng các lợi thế từ hiệp định trên, nhiều DN đang gấp rút tìm cách đáp ứng được các điều kiện đi kèm là chất lượng, xuất xứ hàng hóa, nơi sản xuất, lao động, môi trường. Đây cũng là cơ hội để Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành thu hút đầu tư nước ngoài với ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201811/doanh-nghiep-gap-rut-don-cptpp-2921594/