Doanh nghiệp gặp 'hạn' vì đối tác nước ngoài phá sản

Công ty Cổ phần May Sông Hồng có nguy cơ mất 166 tỷ đồng khi khách hàng tại Mỹ nộp đơn phá sản. Công ty đã và đang làm thủ tục thuê luật sư bên Mỹ để thu công nợ, nhưng vụ việc này đã báo động về những sự cố của doanh nghiệp Việt với đối tác nước ngoài.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May Sông Hồng. Ảnh: Hồng Nụ

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May Sông Hồng. Ảnh: Hồng Nụ

Sự cố khách quan

Truyền thông Mỹ mới đây đưa tin Công ty RTW Retailwinds – DN sở hữu gần 400 cửa hàng New York&Co tại Mỹ, vừa nộp đơn xin phá sản do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều đáng quan tâm ở đây, RTW Retailwinds là đối tác lớn nhất của Công ty Cổ phần May Sông Hồng.

Theo báo cáo tài chính của May Sông Hồng, tính đến cuối tháng 3/2020, Công ty đang có khoản phải thu khách hàng 439 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu của New York & Co là 166 tỷ đồng, chiếm 37,8% khoản phải thu khách hàng và chiếm 6,7% tổng tài sản của May Sông Hồng.

Theo Bản cáo bạch của Công ty, New York & Co là một trong số nhiều khách hàng truyền thống, thường xuyên của May Sông Hồng những năm gần đây, chiếm 25% tổng doanh thu của mảng FOB (mảng kinh doanh chiếm khoảng 70% tổng doanh thu của Công ty). Ngay sau khi thông tin trên được công bố, cổ phiếu MSH của May Sông Hồng giảm điểm mạnh, tính đến phiên giao dịch ngày 22/7, giá cổ phiếu còn khoảng 29.500 đồng/cổ phiếu, từ mức 33.800 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 7. Năm 2020, May Sông Hồng đặt kế hoạch 3.200 tỷ đồng doanh thu (giảm 27% so với năm 2019), lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng.

Câu chuyện trên của May Sông Hồng không phải là mới, trước đó, ngành dệt may cũng từng có trường hợp DN gặp “hạn” vì đối tác phá sản. Tiêu biểu là cách đây gần 2 năm, Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công cũng gặp khó khi đối tác Sears Holdings nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Tại thời điểm đó, Sears thông qua hai công ty con là Roebuck & Co và Kmart Corporation đã đóng góp 7% vào doanh thu hàng năm của Dệt may Thành Công.

Hai câu chuyện trên cho thấy, trên thương trường quốc tế, những rủi ro bất ngờ hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi khách hàng lớn tuyên bố phá sản. Dù rằng đây là những nguyên nhân khách quan, nhưng cũng hoàn toàn ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, cũng như tình hình tài chính của các DN trong nước.

Cố gắng vượt khó

Theo Công ty Luật Minh Gia, trường hợp đối tác không có yêu cầu mở thủ tục phá sản thì DN có quyền yêu cầu phía đối tác thanh toán khoản nợ với công ty mình. Việc thanh toán khoản nợ này dựa trên thỏa thuận trong hợp đồng, khả năng chi trả của đối tác hoặc thỏa thuận khác của các bên. Còn trong trường hợp đối tác có yêu cầu mở thủ tục phá sản thì các khoản nợ sẽ được phân chia trả theo thứ tự quy định tại Luật Phá sản 2014.

Vì thế, về phía Công ty May Sông Hồng, đại diện DN này cho biết đang thuê luật sư để thu hồi công nợ. Tuy nhiên, như trường hợp của Dệt may Thành Công thì trước đó, Công ty này cho biết cũng đã tiến hành phản hồi lên Tòa án sở tại, nhưng thủ tục này rất phức tạp và xử lý trong thời gian dài. Nên dù đã qua 2 năm, báo cáo tài chính quý 1/2020 của Dệt may Thành Công vẫn ghi nhận khoản nợ hơn 100 tỷ đồng từ Seers vẫn chưa được giải quyết. Mặc dù vậy, những năm trước, nhờ vào thị trường quốc tế thuận lợi, được đà tăng trưởng mạnh trước làn sóng CPTPP giai đoạn 2018-2019, cũng như việc trích lập dự phòng rủi ro nên kết quả kinh doanh của Thành Công vẫn tăng trưởng mạnh, thị giá cổ phiếu TCM của Thành Công cũng nhanh chóng bật tăng mạnh sau đợt giảm đột ngột vì sự cố.

Tuy nhiên, nhiều rủi ro vẫn còn đó, nhất là khi năm 2020, cả thế giới chao đảo vì dịch Covid-19 nên các DN đều gặp khó khăn, không ít DN đã phải nộp đơn phá sản. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các đối tác và các DN cùng hoạt động. Do đó, theo các chuyên gia, các DN phải có quỹ dự phòng rủi ro, cũng như phải có đội ngũ am hiểu về pháp luật trong nước và quốc tế, dành thêm một khoản chi phí để thuê luật sư tư vấn... Ngoài ra, các DN cũng phải đa dạng đối tác, đa dạng thị trường xuất nhập khẩu, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để vượt lên bứt phá.

Chi Mai

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-gap-han-vi-doi-tac-nuoc-ngoai-pha-san-130446-130446.html