Doanh nghiệp FDI lo ngại về 'những lời hứa ban đầu vẫn chưa được thực hiện'

Theo đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, cải cách luật và thể chế là yêu cầu cấp thiết nếu Việt Nam muốn thu hút đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia và Lào

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia và Lào

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, nhiều công ty Hàn Quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc liên quan đến việc những lời hứa được đưa ra tại thời điểm đầu tư ban đầu vẫn chưa được thực hiện, đơn cử như sự không nhất quán trong ưu đãi thuế.

Chẳng hạn, việc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho công nhân tại các khu kinh tế (bao gồm khu công nghiệp Tràng Duệ ở Hải Phòng) đã bất ngờ bị chấm dứt bởi một Nghị định mới được thông qua năm 2018.

Vì vậy, đại diện đến từ Hàn Quốc tin rằng "tháp kiểm soát vốn FDI" nên được thành lập và được trực tiếp quản lý bởi Văn phòng Thủ tướng. Một cơ quan kiểm soát cấp cao như vậy phối hợp cùng với cơ quan đầu tư nước ngoài hiện tại có thể điều phối hiệu quả hơn vị trí của tất cả bộ ngành liên quan và đảm bảo sự nhất quán của các chính sách.

TS. Nguyễn Đức Thành: 'Khu vực FDI cũng chính là điểm yếu của nền kinh tế'

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá tích cực, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tìm đến Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt trong mảng công nghệ cao.

Chẳng hạn, LG Chem (Hàn Quốc) đang tính toán kỹ lưỡng để đầu tư vào Việt Nam như một điểm đầu tư quy mô lớn nhằm thiết lập một nhà máy pin lithium-ion cho ô tô và xe máy điện. Công ty này đang có kế hoạch lắp đặt dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh, bao gồm cả vật liệu, vỏ pin và đóng gói bao bì.

Song ông Hong Sun cho rằng, để thu hút đầu tư công nghệ cao, các bộ luật và thể chế của Việt Nam bắt buộc phải có một số cải cách cần thiết. Ông này nhận định, đây là thời điểm thích hợp để Chính phủ Việt Nam đưa ra các ưu đãi mới và táo bạo về chính sách, mang lại sức sống cho các ngành công nghiệp đầy triển vọng trong tương lai như xe điện và năng lượng mặt trời.

Có chung quan điểm, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Tomaso Andreatta nhấn mạnh, các vấn đề kiểm định theo lô trong ngành công nghiệp ô tô, bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động nước ngoài, tính nhất quán trong pháp lý đối với mặt hàng thiết bị y tế và quy trình thủ tục hải quan đã và đang đặt ra những thách thức cho các công ty châu Âu.

"Nếu được giải quyết, những vấn đề này sẽ góp phần cải thiện đáng kể môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, biến Việt Nam trở thành một điểm đến kinh doanh hấp dẫn", ông Tomaso Andreatta nhìn nhận.

Tuy nhiên, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia và Lào đánh giá, cho đến nay Việt Nam vẫn đang chủ yếu tập trung vào sản xuất và lắp ráp linh kiện trung cấp.

Để đạt được giá trị thực sự và đầy đủ, ông Kyle Kelhofer cho rằng, Việt Nam cần đầu tư vào các hoạt động tiền sản xuất như khâu thiết kế, các hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như các hoạt động sau sản xuất bao gồm dịch vụ và tiếp thị kỹ thuật số.

Đại diện IFC cho biết, việc mở rộng chuỗi giá trị tạo ra lợi nhuận cần tập trung vào bốn yếu tố bao gồm: tiền lương cao hơn thông qua đầu ra giá trị cao hơn trên mỗi công nhân; gia tăng phát triển kỹ năng địa phương, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển; sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên; tạo cơ hội tốt hơn cho các doanh nhân địa phương; cải thiện khả năng cạnh tranh của tất cả các khu vực cũng như liên kết chuỗi cung ứng.

"Chính phủ Việt Nam cần tiến hành xây dựng một chiến lược FDI cập nhật bao gồm: chủ động hướng tới mục tiêu khuyến khích, ưu đãi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; chiến lược toàn diện để thu hút và phát triển doanh nghiệp dựa trên lợi thế cạnh tranh lâu dài; ưu đãi dựa trên hiệu suất và thậm chí nhắm mục tiêu cho doanh nghiệp; quản trị nền hành chính công, tạo chuyển đổi trong Chính phủ", ông Kyle Kelhofer đề xuất.

Thừa nhận những rào cản về thuế suất và chính sách khi đầu tư vào Việt Nam, bà Virginia Foote, Phó chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) còn cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút thêm đầu tư trong tương lai, mà còn để duy trì đầu tư đã có ở đây.

"Tạo một môi trường chẳng mấy mặn mà hoặc coi nó như một dòng vốn hạng 2 sẽ làm vốn FDI mất đi nhanh nhất", bà Virginia Footer khẳng định.

Theo đó, lãnh đạo Amcham khuyến khích Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao để không chỉ phát triển nền kinh tế mà còn giúp phát triển toàn bộ hệ sinh thái của các công ty và doanh nhân địa phương.

Đại diện các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt ngày càng nghiêm trọng nguồn cung điện năng, đặc biệt ở khu vực phía Nam cũng như mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí và sự xuống cấp của môi trường.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-fdi-lo-ngai-ve-nhung-loi-hua-ban-dau-van-chua-duoc-thuc-hien-1556795822123.htm