Doanh nghiệp FDI khấp khởi đợi lên sàn

Trong một loạt các giải pháp đề xuất để thị trường chứng khoán vượt đại dịch COVID-19, Bộ Tài Chính một lần nữa nhắc đến việc xem cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) niêm yết nếu đủ điều kiện.

Ảnh minh họa.

Thực tế đây là một giải pháp đã được thị trường trông chờ trong khoảng vài năm trở lại đây, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.

Seoul Metal Việt Nam và Ngũ Kim Fortress Việt Nam là đại diện hai doanh nghiệp FDI đã có kế hoạch niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa hiện thực hóa được. Các doanh nghiệp này vẫn phải chờ đợi các văn bản hướng dẫn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Bộ Tài chính năm này qua năm khác.

Nút thắt lớn nhất cản trở các doanh nghiệp này lên sàn lại là tư duy thận trọng của bên điều hành lo sợ tình trạng rút vốn của các ông chủ doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán.

Cùng với đó là hiện tượng chuyển giá, các doanh nghiệp phụ trợ thường phụ thuộc vào một khách hàng lớn cũng khiến cho trạng thái tài chính của một số doanh nghiệp trở nên kém ổn định so với các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn.

Tất cả những điều này đang khiến cơ quản lý vẫn còn chần chừ trong thời gian qua. Việc Bộ Tài chính chỉ đạo UBCK đưa ra văn bản hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp FDI muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán một lần nữa lại giúp cho các doanh nghiệp trên khấp khởi hy vọng sẽ sớm được giao dịch trên sàn chứng khoán.

Tất nhiên, các doanh nghiệp này cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng với những quy định chặt chẽ như hạn chế chuyển nhượng phần vốn cổ đông sáng lập, hạn chế về cổ phiếu thưởng, hay các chương trình ESOP...

Qua liên hệ với UBCK, cơ quan này cho biết đang trong quá trình triển khai và xây dựng văn bản hướng dẫn, Ủy ban sẽ phổ biến tới thị trường chung khi hoàn thiện.

Xu hướng vốn FDI đăng ký và giải ngân tại Việt Nam.

Xu hướng vốn FDI đăng ký và giải ngân tại Việt Nam.

Ở một góc độ khác của thành viên tham gia thị trường, giám đốc phân tích của một công ty chứng khoán cho biết ông không lo ngại về việc doanh nghiệp FDI lên sàn sẽ rút vốn gây bất ổn cho thị trường chứng khoán. Thay vào đó, vị giám đốc này cho rằng việc các doanh nghiệp FDI muốn lên sàn thực tế thường là các doanh nghiệp nhỏ, không tạo được nhiều giá trị cho cổ đông và thị trường chứng khoán nói chung mới là vấn đề.

Trong quá khứ, các trường hợp như EVE, SBV, TYA lên sàn không để lại quá nhiều dấu ấn trong con mắt nhà đầu tư. Còn trường hợp các doanh nghiệp lớn như Samsung niêm yết trên sàn chứng khoán có thể tạo được sức hút lớn thì lại rất khó xảy ra.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//tai-chinh/doanh-nghiep-fdi-khap-khoi-doi-len-san-3545890.html