Doanh nghiệp FDI đóng góp cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam

Vừa qua, VCCI đã công bố danh sách các doanh nghiệp phát triển bền vững thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó, ở lĩnh vực sản xuất, Coca-Cola Việt Nam xếp vị trí số 2 và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp FDI có các đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam, đúng với cam kết mang lại những điều tốt đẹp nhất tại những nơi mà Coca-Cola đi qua.

Bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Đối ngoại, truyền thông và phát triển bền vững Coca-Cola Đông Dương nhận giải doanh nghiệp bền vững năm 2019, top 2 lĩnh vực sản xuất.

Bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Đối ngoại, truyền thông và phát triển bền vững Coca-Cola Đông Dương nhận giải doanh nghiệp bền vững năm 2019, top 2 lĩnh vực sản xuất.

Doanh nghiệp FDI và hành trình “Việt Nam hóa”

Coca-Cola Việt Nam đã chinh phục hàng triệu trái tim người Việt trong suốt 25 năm qua bằng cách làm sáng tạo và lối đi riêng. Xác định bản thân là “Thương hiệu toàn cầu, am hiểu địa phương”, công ty đã không ngừng nghiên cứu, cải tiến cho ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của mạng lưới gần 1 triệu khách hàng, đối tác khắp cả nước.

Coca-Cola là một trong những tập đoàn đa quốc gia có những đóng góp lớn tại Việt Nam, điều này được phản ánh cụ thể qua những chỉ số báo cáo gần đây do PwC thực hiện, tập trung vào giai đoạn 2016 – 2018.

Mỗi năm, Coca-Cola Việt Nam đóng góp trung bình 3.500 tỷ đồng vào GDP quốc gia, tương đương khoảng 0,11% GDP cả nước. Công ty đã tạo ra 80.076 việc làm trung bình hàng năm, trong đó 2.370 việc làm được tạo ra từ các hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp, với mức chi trả 2.400 tỷ đồng lương thưởng phúc lợi cho nhân viên, 77.706 việc làm gián tiếp được tạo ra từ chuỗi cung ứng.

Với chiến lược “nội địa hóa” của mình dành cho chuỗi cung ứng; hiện nay, có đến 91% nhà cung cấp của Coca-Cola là doanh nghiệp Việt, đồng nghĩa với việc phần lớn giá vốn bán hàng đến từ nguồn cung ứng nội địa. Để tạo nên một cộng đồng kinh doanh bền vững, Coca-Cola đã trao cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng những chương trình đồng hành, hỗ trợ trong suốt những năm qua.

Bên cạnh đó, Coca-Cola cũng chú trọng đến vị thế của các doanh nghiệp nữ trong chuỗi cung ứng của mình. Mục tiêu 50% nhà cung cấp của Coca-Cola Việt Nam là doanh nghiệp nữ là chính là tầm nhìn 5 năm tới của công ty. Mới đây, tại diễn đàn “Định vị Doanh nhân nữ trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, Coca-Cola Việt Nam đã ký kết Biên bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng.

Những nỗ lực của doanh nghiệp đã được ghi nhận và minh chứng qua những giải thưởng danh giá. Coca-Cola Việt Nam đứng vị trí đầu tiên trong danh sách các doanh nghiệp minh bạch do Labrador trao tặng, 6 năm liền trong danh sách Top 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam do công ty Anphabe thực hiện.

EKOCENTER – Lá cờ tiên phong cho mô hình doanh nghiệp xã hội

Năm 2017 - 2018, Coca-Cola Việt Nam đóng góp 86 tỉ đồng cho các vấn đề xã hội và môi trường bằng rất nhiều sáng kiến nổi bật. Với các mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp bao gồm “Nước – Phụ nữ - Chất lượng sống – Quản lý rác thải bao bì”, Coca-Cola còn lan tỏa giá trị bền vững thông qua các dự án mang tầm vóc lớn, trong đó có EKOCENTER – sáng kiến phát triển bền vững toàn cầu của Coca-Cola.

Dựa trên việc cung cấp 4 ích lợi chính cho cộng đồng địa phương bao gồm nước uống sạch, trao quyền cho phụ nữ, phát triển đời sống văn hóa, tinh thần và giải pháp về rác thải nhằm bảo vệ môi trường, 11 EKOCENTER khắp cả nước đang vận hành theo mô hình doanh nghiệp xã hội, đã và đang tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng địa phương.

Mới đây, dự án EKOCENTER đã được vinh danh tại nhiều giải thưởng như giải thưởng Phát triển bền vững, giải thưởng CSR (do Amcham trao tặng), giải thưởng Én Xanh. Các giải thưởng này là minh chứng cho những tác động tích cực mà Coca-Cola Việt Nam tạo ra thông qua các sáng kiến.

Nối dài hành trình phát triển bền vững

Trong lĩnh vực môi trường, Coca-Cola đã tiên phong trong ngành hàng nước giải khát bằng tuyên bố về một mục tiêu táo bạo và đầy tham vọng rằng đến năm 2030, mỗi một chai/lon sản phẩm bán ra sẽ được Coca-Cola thu gom trở lại và tái chế thông qua khung hành động thiết kế, thu gom và hợp tác nằm trong khuôn khổ dự án “Vì một thế giới không rác thải”.

Trước mắt, Coca-Cola Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025, 100% bao bì của công ty có thể tái chế hoàn toàn và đến năm 2030, các chai và lon sản phẩm của công ty sẽ chứa trung bình 50% nguyên liệu đã qua tái chế.

Coca-Cola Việt Nam còn đặt vấn đề nước sạch là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Từ năm 2015 – 2018, Coca-Cola Việt Nam đã bồi hoàn 31.8 tỷ lít nước cho cộng đồng và thiên nhiên với 82.000 người hưởng lợi gián tiếp và trực tiếp được tiếp cận nước máy và nước uống.

Trong giai đoạn 2015 - 2017, doanh nghiệp này cũng đã đầu tư 6,8 tỷ đồng để xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển du lịch sinh thái, trong đó có khu du lịch Tràm Chim; đầu tư 4,6 tỷ đồng cho dự án sinh kế dựa vào lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long mang lại nhiều những đóng góp tích cực cho địa phương. Khu vực 105,6 ha trữ lũ được bảo tồn thông qua thí điểm hệ thống trồng sen ở An Giang và Đồng Tháp là điểm nhấn đặc biệt của dự án này.

Nối dài những cánh tay phát triển bền vững và không ngừng đổi mới sáng tạo, Coca-Cola Việt Nam đã và đang mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng trong hành trình phát triển tiếp theo.

Anh Tuấn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-doanh-nghiep/su-kien-doanh-nghiep/doanh-nghiep-fdi-dong-gop-cho-su-phat-trien-ben-vung-tai-viet-nam-316088.html