Doanh nghiệp đường 'nếm' vị ngọt của giá

Giá đường trong nước đã tăng 10% kể từ đầu năm và dự kiến sẽ duy trì mức cao trong thời gian tới khi nguồn cung quốc tế bị thu hẹp, giúp mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp đường nội địa.

Tin vui cho giá đường trong nước

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tính đến ngày 30/5, giá đường giao dịch trên Sở Liên lục địa New York (ICE US) ở mức 559,3 USD/tấn, duy trì ở vùng giá cao sau 12 năm. Đặc biệt, giá có sự nhảy vọt với mức tăng 34% so với thời điểm đầu năm, trong bối cảnh nguồn cung suy yếu tại các quốc gia sản xuất hàng đầu.

Tính tới hết tháng 05/2023, Ấn Độ, quốc gia cung ứng đường lớn thứ 2 thế giới chỉ cho phép xuất khẩu 6 triệu tấn đường trong niên vụ 2022/2023, giảm mạnh so với mức kỷ lục gần 12 triệu tấn trong niên vụ trước.

Theo Reuters, bang Maharashtra của Ấn Độ dự kiến sẽ sản xuất 10,5 triệu, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 3,3 triệu tấn so với dự báo trước đó vào cuối năm 2022. Trong khi đó, Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ ước tính sản lượng đường sản xuất niên vụ 2022/2023 đạt 34 triệu tấn, thấp hơn 2,5 triệu tấn so với dự báo trước đó.

Còn Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới đã kết thúc chương trình miễn thuế nhập khẩu đối xăng và Ethanol khiến tỷ trọng mía dành cho sản xuất nhiên liệu sinh học tăng lên, gián tiếp khiến lượng đường thu hẹp.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng thông tin, sản lượng đường của Trung Quốc ước đạt 9 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ, tương đương thấp hơn 1 triệu tấn so với dự báo trước đó.

SSI Research tính toán, nhìn chung, lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến sẽ giảm 13% so với cùng kỳ trong niên độ 2022/2023, tạo áp lực khiến giá đường neo ở mức cao.

Trước tình hình này, giá đường trong nước cũng bắt đầu tăng nhờ hưởng lợi giá đường thế giới. CTCP Đường Quảng Ngãi (mã QNS) cũng dự kiến giá đường sẽ tăng từ quý II/2023. Ngay khi sang tháng 5, giá đường trong nước đã tăng lên 20.000 đồng/kg, tăng 10% so với đầu năm.

SSI dự báo, giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam. Hiện tại, SSI cho rằng giá đường tinh luyện sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước từ quý II/2023.

Các chuyên gia kỳ vọng, Bộ Công thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô.

“Giá đường trong nước tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía. Các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường”, SSI nhấn mạnh.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cũng nhận thấy, giá đường dự kiến sẽ duy trì mức cao trong khoảng thời gian tới khi thông tin chủ đạo trên thị trường đang xoay quanh những lo ngại về nguồn cung ở mức thấp.

“Đây là cơ hội để ngành mía đường Việt Nam nói chung và doanh nghiệp mía đường nội địa nói riêng lấy lại được vị thế trong nước”, ông Quang Anh đánh giá.

Những doanh nghiệp đường hưởng vị ngọt

Trong danh sách 4 doanh nghiệp đường đang theo dõi, SSI Research nhận thấy SBT dù là doanh nghiệp đầu ngành đường, nhưng chi phí tài chính ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận. Ngoài ra, LSS có tỷ lệ đường thương mại ở mức cao nên có thể gặp rủi ro khi giá đường thấp hơn kỳ vọng và lượng đường nhập khẩu thấp.

Trong khi đó, nhóm chuyên gia đánh giá khả quan với cổ phiếu QNS và SLS.

Đối với QNS, trong 4 tháng đầu năm 2023, Công ty ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 3.400 tỷ đồng và 580 tỷ đồng, hoàn thành 41% và 48% kế hoạch năm. Năm 2023, tổng sản lượng đường của QNS ước tính đạt 200.000 tấn, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước nhờ mở rộng diện tích canh tác và sản lượng đường cao hơn.

Ngoài ra, QNS bắt đầu với chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh vào tháng 3/2023, sau đó bán các mặt hàng đường đóng gói với nhãn hiệu “Đường An Khê” thông qua các kênh thương mại hiện đại. Trong tháng 5, QNS cũng hợp tác với chuỗi bán lẻ BigC, Coopmart, Winmart để bán mặt hàng đường đóng gói này.

SSI ước tính, doanh thu thuần và lãi ròng năm 2023 của QNS lần lượt là 9.700 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 17% và 18% so với cùng kỳ. Sang năm 2024, doanh thu thuần và lãi ròng QNS lần lượt đạt 10.400 tỷ đồng và 1.700 tỷ đồng, tăng 7% và 14% so với cùng kỳ.

Đối với SLS, Công ty ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 3 quý đầu năm tài chính 2023 (niên độ bắt đầu từ 1/7 đến 30/6) với lãi ròng đạt 298 tỷ đồng, tăng 138% nhờ tỷ suất lợi nhuận cao hơn mức bình quân của các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước.

Tuy quy mô nhỏ, nhưng SLS có điều kiện trồng mía thuận lợi nên năng suất cây trồng cao hơn (64 tấn/ha, so với bình quân là 62 tấn/ha) và tỷ lệ chuyển đổi đường từ mía cao hơn. SLS kỳ vọng diện tích trồng mía sẽ tăng trưởng 20% so với hiện tại. SLS sản xuất khoảng 60.000 - 70.000 tấn đường/năm.

Đặc biệt, Công ty có chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt ổn định, tương đương khoảng 50% lợi nhuận. SSI kỳ vọng với lợi nhuận ròng kỳ vọng cao cho năm 2023, SLS có thể tăng cổ tức tiền mặt lên 160 - 200% trên mệnh giá, tương đương với tỷ suất cổ tức tiền mặt trong khoảng 11 - 12%.

Tuy nhiên, các chuyên gia SSI thận trọng với các cổ phiếu đường khi rủi ro sản lượng đường sản xuất của Thái Lan ở mức cao có thể làm tăng thêm áp lực đường nhập lậu lên nguồn cung đường Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2024. Đồng thời, giá đường toàn cầu có thể đảo chiều do nhu cầu yếu hơn dự báo.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-duong-nem-vi-ngot-cua-gia-post322921.html