Doanh nghiệp được phép tự công bố chất lượng gần 90% sản phẩm thực phẩm

Theo phương án cuối cùng của Nghị định 38 sửa đổi, quy định thi hành Luật an toàn thực phẩm trước khi trình Chính phủ thì doanh nghiệp sẽ được phép tự công bố chất lượng và đăng ký an toàn thực phẩm cho gần 90% số sản phẩm...

Cụ thể, sau nhiều lần lấy ý kiến, chiều 27/11, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã họp lần cuối xung quanh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP.

10% số sản phẩm cần phải đăng ký cấp phép

Theo đó, dự thảo Nghị định 38 sửa đổi quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được xây dựng theo hướng cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính. Có nhiều thay đổi đáng kể trong đó có việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Ảnh minh họa.

Nghị định nêu rõ, 10% số sản phẩm cần phải đăng ký cấp phép là những thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thực phẩm chức năng, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp sản xuất trong nước.

Những sản phẩm này, Bộ Y tế đề xuất cho vào nhóm sản phẩm kiểm soát chặt, cần phải được thẩm định hồ sơ, sau khi được cấp giấy tiếp nhận, mới được sản xuất kinh doanh.

Đối với những sản phẩm nhập khẩu, chỉ quản lý chặt những sản phẩm có cảnh báo nguy cơ, ví dụ trong vùng có dịch và khi hậu kiểm phát hiện sản phẩm không an toàn.

Như vậy, với nhóm sản phẩm này, sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ công bố, trong vòng 30 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét hồ sơ và các nội dung ghi nhãn của sản phẩm phù hợp với quy định của pháp luật về ghi nhãn, trong trường hợp cần thiết sẽ thành lập hội đồng thẩm định để đánh giá.

Doanh nghiệp được phép tự công bố chất lượng gần 90% sản phẩm thực phẩm

Cũng trong nội dung dự thảo Nghị định 38 sửa đổi thì doanh nghiệp sẽ được phép tự công bố chất lượng gần 90% sản phẩm thực phẩm.

Từng có nhiều tranh cãi trong việc cho phép doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, những sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm, doanh nghiệp được phép tự công bố và nộp bản tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước.

Sau 7 ngày, nếu cơ quan quản lý nhà nước không có ý kiến thì doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Nếu không đồng ý với bản tự công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải có ý kiến bằng văn bản và doanh nghiệp chỉ được phép sản xuất, kinh doanh theo đúng yêu cầu sửa đổi, bổ sung của cơ quan tiếp nhận.

Căn cứ công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm, trong đó sẽ mở rộng phạm vi, nâng cao mức xử phạt theo quy định pháp luật.

Video: Lãnh đạo quản lý an toàn thực phẩm bị ngộ độc thực phẩm

Nghị định cũng chỉ khá rõ ràng những thông tin trong việc phân cấp quản lý.

Theo đó, tất cả những sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm kể cả thực phẩm nhập khẩu sẽ do Sở Y tế quản lý.

Bộ Y tế chỉ quản lý công tác tiếp nhận hồ sơ đối với các sản phẩm đặc thù như thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các thực phẩm có công bố tác dụng liên quan đến sức khỏe.

Minh Vân

Nguồn VTC: https://vtc.vn/doanh-nghiep-duoc-phep-tu-cong-bo-chat-luong-gan-90-san-pham-thuc-pham-d365881.html