Doanh nghiệp đứng từ xa nhìn gói hỗ trợ: Sự thật là...

Tác động cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới mỗi địa phương, ngành nghề khác nhau, áp dụng một nghị định chung với tất cả là chưa phù hợp.

Có hỗ trợ nhưng không đủ chuẩn vay

Trong bối cảnh việc thực hiện các gói hỗ trợ nền kinh tế lần thứ nhất còn nhiều hạn chế, chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng ban đầu, thì một gói hỗ trợ mới đang được tính toán xây dựng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế giúp giải quyết những khó khăn hiện tại sau khi dịch Covid-19 vừa bùng phát trở lại khiến doanh nghiệp vừa thấp thỏm, chờ đợi vừa lo lắng, băn khoăn.

Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Ông Phan Xuân Thanh GĐ Công ty TNHH Emic Hospitality (Quảng Nam), Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam chia sẻ, ảnh hưởng từ đại dịch đã gây rất nhiều khó khăn tới doanh nghiệp. Vì điều này, các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ rất mong muốn có thể tiếp cận được với các gói hỗ trợ từ Chính phủ nhằm sớm phục hồi hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, do các thủ tục phức tạp, rườm rà, nên dù rất hào hứng, mong chờ nhưng cho đến nay các doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được với gói hỗ trợ nào.

Ông Thanh lấy ví dụ từ các quy định tại Nghị định 42 đối với gói hỗ trợ 62.000 tỷ, cụ thể là với ngành du lịch cho thấy, doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ là những doanh nghiệp đã dừng hoạt động và lao động không có lương từ ngày 1/4 tới 30/6 mới được hỗ trợ. Quy định trên là không thực tế, vì các doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam đã dừng hoạt động ngay từ trước đó, tức là từ tháng 2-3 khi dịch bệnh vừa tràn vào. Chính vì quy định như vậy nên không có doanh nghiệp nào tại Quảng Nam đủ tiêu chuẩn trong diện được xét vay ưu đãi.

Hay với điều kiện để vay ưu đãi, lãi suất 0% thì doanh nghiệp phải thuộc diện không có doanh thu từ quý III trở đi; phải chứng minh đã sử dụng hết các quỹ của doanh nghiệp mà vẫn không đủ khả năng chi trả lương cho nhân viên...

"Với quy định trên, không có doanh nghiệp nào quý III không có doanh thu cả, chỉ là ít hay nhiều. Hơn nữa, doanh nghiệp nào cũng có các quỹ khác nhau nhưng chỉ là các nguồn quỹ không còn đủ để trả lương, chứ không phải là hết sạch.

Chính vì những điều kiện quá khắt khe như vậy nên doanh nghiệp biết rõ có muốn cũng không tiếp cận được nên họ cũng nản và chọn cách bỏ cuộc", ông Thanh nói.

Trong bối cảnh đó, ông Thanh cũng không đặt nhiều hy vọng vào đề xuất gói hỗ trợ mới từ phía Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Gói hỗ trợ lần hai dự tính có nguồn kinh phí là 15.000 tỷ đồng, sẽ tập trung ở chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm và đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất - kinh doanh), người lao động tại khu vực nông thôn.

Cùng với đề xuất gói hỗ trợ lần hai, Bộ này cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cần gì?

Bàn về gói hỗ trợ lần 2, ông Thanh cho rằng, nếu muốn hiệu quả thì Bộ LĐ-TB&XH, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính cần phải tiến hành lấy ý kiến trực tiếp của địa phương, trên cơ sở đó sẽ có đánh giá cũng như đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí hỗ trợ cụ thể cho từng ngành nghề, từng địa phương cụ thể.

"Nên nhớ, dịch bệnh xảy ra, tác động cũng như mức độ ảnh hưởng tới mỗi địa phương, từng ngành nghề là khác nhau. Việc triển khai một nghị định chung với tất cả các địa phương như vậy là không phù hợp.

Tôi lấy ví dụ, ở Quảng Nam phát triển du lịch là chính, nên khi dịch bệnh xảy ra thì các hoạt động du lịch tại địa phương này đã bị sụp đổ ngay từ tháng hai. Thế nhưng, nghị định lại quy định phải tháng 4 trở đi mới được xét hỗ trợ. Như vậy, rõ ràng quy định đã không phù hợp thực tế, và đương nhiên không có một doanh nghiệp nào đủ điều kiện có thể tiếp cận được với gói hỗ trợ", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, cách ra văn bản hiện còn mang nặng tính hành chính, bàn giấy, chưa thực tế, vì điều này mà các gói hỗ trợ dù tung ra rất nhiều nhưng vẫn không đi đến đâu. Ông Thanh đã gửi kiến nghị lên rất nhiều cấp, ngành, chính quyền địa phương với mong muốn những ý kiến của doanh nghiệp sẽ được lắng nghe.

"Với chính sách hỗ trợ như hiện nay, các doanh nghiệp chỉ biết tự xoay trở để cứu mình.

Bản thân các doanh nghiệp cũng biết rõ việc chờ đợi vào chính sách là rất khó, vì thế, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm mọi cách, kể cả phải mang tài sản, nhà cửa đi thế chấp ngân hàng nhằm cố duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Bởi những tác động tư dịch bệnh là rất nhanh, tức thì, chỉ cần dịch bệnh diễn ra trong khoảng 1 tuần thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có thể lập tức bị sụp đổ. Trong khi thời gian làm chính sách lại bị kéo quá dài, nên đôi khi bản thân các doanh nghiệp chưa kịp tiếp cận thì đã phải đóng cửa.

Vì vậy, những cơ quan làm tham mưu phải lưu ý vấn đề này, nhất là khi những gói hỗ trợ lần đầu nếu không hiệu quả thì cần phải nhanh chóng điều chỉnh kịp thời những gói hỗ trợ sau", ông Thanh góp ý.

Bày tỏ quan điểm cá nhân, vị Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, cách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn là Chính phủ tác động vào các chính sách, giảm lãi suất ngân hàng, hoặc chuyển sang các gói hỗ trợ gián tiếp, các gói kích cầu hỗ trợ cho khách du lịch. Thông qua đó, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi. Nếu áp dụng các gói hỗ trợ trực tiếp, doanh nghiệp rất khó tiếp cận được.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doanh-nghiep-dung-tu-xa-nhin-goi-ho-tro-su-that-la-3420423/