Doanh nghiệp du lịch Việt làm gì để đón cơ hội tăng trưởng?

Doanh nghiệp đang đón cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam.

Việc du lịch tăng trưởng đã giúp cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến quan trọng, du lịch Việt Nam đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết với tiềm năng phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời sẵn có. Nhưng để đón nhận cơ hội tăng trưởng này, các doanh nghiệp du lịch trong nước đã có sự chuẩn bị ra sao, hay vẫn loay hoay với bài toán “tiềm năng lớn, vẫn chưa khai thác được”.

Cơ hội tăng trưởng lớn

Năm 2017, với sự quan tâm của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, du lịch Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ngành du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 ước đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 29,1% so với năm 2016. Lượng khách nội địa đạt hơn 73 triệu lượt, tăng xấp xỉ 20% và tổng thu trực tiếp khách du lịch đạt 500.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7,5% vào GDP Việt Nam 2017. Mục tiêu dài hạn của Việt Nam đến năm 2020 có thể đón 20 triệu khách quốc tế - con số khá lớn khi đón một khối lượng khách tăng gấp đôi chỉ sau 4 năm đòi hỏi ngành du lịch trong nước phải có nhiều bước chuẩn bị.

Trong một báo cáo đưa ra gần đây, nhóm nghiên cứu về tiêu dùng và bán lẻ toàn cầu của HSBC đã dự báo lượng khách du lịch của Trung Quốc đến Việt Nam tiếp tục tăng và tới năm 2018 sẽ vượt qua con số 9 triệu du khách. Điều này có nghĩa là ngành du lịch không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây mà còn góp phần hỗ trợ quan trọng cho sản lượng tương lai.

Do đó HSBC cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển tngành du lịch trong những năm tới nếu như chương trình miễn thị thực còn tiếp tục, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện, môi trường kinh tế- chính trị tại các nước khác thuận lợi.

Theo đó, phân khúc khách sạn 4 - 5 sao và resort cũng đang có xu hướng tăng. Trước những tiềm năng du lịch ngày càng lớn thì hoạt động đầu tư khách sạn đang mở rộng ở các phân khúc 4 sao trở lên. Nhiều tập đoàn quy mô nước ngoài lẫn trong nước đang gia tăng hoạt động đầu tư chuỗi khách sạn để tạo vị thế lớn trên thị trường.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào khách sạn cao cấp 4 - 5 sao ngoài lưu ý thị trường bất động sản thì hoạt động quản lý khách sạn cần quy trình phát triển đồng bộ, quản lý chi phí chặt chẽ. Một trong những chi phí khó kiểm soát nhất là nguyên vật liệu thực phẩm, chi phí bảo trì bảo dưỡng. Ở phân khúc khách sạn 4 sao thường đón nhiều loại khách hàng khác nhau khác hẳn với 5 sao.

Đây cũng là lý do Revpar của khách sạn 5 sao tăng ổn định hơn trong khi ở khách sạn 4 sao Revpar biến động mạnh qua từng năm. Ngoài nhu cầu lưu trú thì nhu cầu giải trí, thư giãn cũng cần được chú trọng đầu tư. Vì vậy, việc liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ giải trí cũng giúp chia sẻ nguồn khách và các nguồn thu khác. Các dịch vụ đi kèm khách sạn là rất cần thiết mà nhiều khách sạn phân khúc 3 - 4 sao thường chưa chú ý phát triển.

Đó chính là cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch có tiềm lực lớn mở rộng thị phần và tăng trưởng mạnh. Chẳng hạn như Tập đoàn TTC, không chỉ có thế mạnh ở mảng mía đường, năng lượng… TTC đã và đang đầu tư vào du lịch thông qua M&A, kinh doanh theo chuỗi…

Cho doanh nghiệp tiềm lực mạnh

Mục tiêu của Tập đoàn TTC là có mặt ở hầu hết các trung tâm du lịch trên cả nước và nâng cao năng lực cạnh tranh bằng kinh doanh chuỗi. Hiện mảng bất động sản du lịch của TTC có hơn 20 khách sạn và khu du lịch, hơn 1.000 phòng nghỉ với tiêu chuẩn 3 - 4 sao, 2 trung tâm hội nghị tiệc cưới, 3 khu resort và 1 Trung tâm lữ hành.

Chính hoạt động M&A là phương pháp giúp đốt cháy giai đoạn, phát triển nhanh trong mọi hoạt động nên TTC đã nhanh chóng áp dụng giải pháp này trong đầu tư và phát triển mạnh mảng du lịch. Sau chuỗi khách sạn Vinagolf, TTC đã M&A thành công một resort ở Bàu Trúc (Ninh Thuận) và đã hoàn thành kế hoạch cải tạo sửa chữa giai đoạn 1, hiện đang thực hiện giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện cảnh quan và các dịch vụ lưu trú trên tổng diện tích trên 7ha. Đến nay, Vinagolf đã được khoác lên mình cái tên mới là TTC Hospitality và tăng vốn điều lệ gấp 6 lần, từ 130 tỷ đồng lên 752 tỷ đồng. Vào cuối năm 2017, VNG sáp nhập thêm Công ty Cổ phần Du lịch Thắng Lợi.

TTC cho biết, Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu và có thể sẽ M&A thêm những khách sạn ở khu vực Huế, Hội An... đều những trung tâm du lịch trọng điểm của Việt Nam. Mục tiêu của TTC là đến năm 2020 phải có mặt ở hầu hết các trung tâm du lịch để hoàn thành chuỗi kinh doanh du lịch theo chiến lược mục tiêu. Đồng thời, Tập đoàn TTC bắt tay với các đối tác uy tín để xây dựng khách sạn.

Lĩnh vực thứ hai mà mảng du lịch TTC hướng tới là khu vui chơi. Những khu du lịch nổi tiếng: TTC World – Tình yêu mộng mơ, TTC World - Tà Cú... là những địa điểm mà TTC có sở hữu khu vui chơi, cũng đang được tập trung phát triển cảnh quan, phát huy lợi thế du lịch các địa danh Đà Lạt, Phan Thiết.

“Đi trước đón đầu”, các doanh nghiệp ngành du lịch hiện nay đều đang nỗ lực đa dạng hóa các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm - dịch vụ, nghiên cứu các sản phẩm mới, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng những chiến lược cụ thể về giá cả, chính sách kinh doanh… để thu hút thị trường, phân khúc khách hàng tiềm năng. Trong đó, với các bước đi trên, VNG đang nổi lên như một đơn vị có ưu thế sở hữu những vị trí trung tâm ở các trọng điểm du lịch của Việt Nam - một trong những lợi thế lớn cho VNG về dài hạn - cũng như các bước đi chủ động để tăng tốc ngay từ 2018. VNG đã ghi nhận doanh thu kỷ lục, ước tính doanh thu thuần đạt hơn 900 tỷ đồng trong năm 2017.

Trung Thu

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/song/doanh-nghiep-du-lich-viet-lam-gi-de-don-co-hoi-tang-truong-3322261/