Doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong nước kêu 'bất bình đẳng'

Một kết quả điều tra từ Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng có sự bất bình đẳng về thuế giữa các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trong nước và các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nước ngoài.

Bất bình đẳng về thuế

Theo Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, hiện đang tồn tại sự bất bình đẳng về thuế giữa các DN kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trong nước và các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nước ngoài.

Cụ thể, pháp luật Việt Nam quy định áp dụng kê khai và nộp thuế đối với những DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam có cơ sở kinh doanh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế.

Do đó, đối với những đơn vị OTA nước ngoài không hoạt động theo Luật Việt Nam, không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, không có văn phòng đại diện tại Việt Nam thì không có cơ sở quy trách nhiệm kê khai và nộp thuế.

Theo quy định công văn 848/BTC-TCT ngày 18/1/2017 của Bộ Tài chính về việc chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của dịch vụ đặt phòng trực tuyến, các DN tại Việt Nam (có hợp tác với các kênh OTA) sẽ là bên thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Lúc này nếu DN Việt Nam nâng giá phòng hoặc giá dịch vụ để thu thêm của khách hàng sẽ không được vì giá đã được niêm yết; còn nếu khấu trừ theo đúng quy định sẽ đối diện với nguy cơ bị đối tác dừng hợp tác. Hiện các DN du lịch Việt Nam vẫn đang phải phụ thuộc rất nhiều vào lượng khách đặt dịch vụ qua các OTA nước ngoài nổi tiếng nên phải chấp nhận tự bỏ tiền túi ra nộp thuế thay.

Trong khi đó, với khách hàng đặt dịch vụ thông qua OTA nước ngoài sẽ chỉ cung cấp hóa đơn xác nhận thanh toán chứ không xuất hóa đơn VAT tại Việt Nam. Vì vậy bên cạnh việc không phải nộp 20% thuế TNDN, OTA nước ngoài cũng không phải nộp thuế VAT 10%. Điều này dẫn đến việc các OTA nội địa không thể cạnh tranh giá với các OTA nước ngoài, gây mất bình đẳng cho môi trường kinh doanh.

Cần có giải pháp chặn trốn thuế

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định.

Đối với việc khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế, ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Hiện Tổng cục Thuế đang phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài cho ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch của người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Tổng cục Thuế nhấn mạnh, chính sách thuế hiện hành không có quy định phân biệt về thuế đối với đại lý du lịch trực tuyến Việt Nam hay nước ngoài.

Hướng dẫn cụ thể thủ tục đăng ký thuế, khai, nộp thuế

Để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài nói riêng cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử nói chung, hiện nay, Luật Quản lý thuế số 38 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước (Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông), các tổ chức tín dụng phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, đồng thời cũng đã hướng dẫn các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế.

Theo đó, đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (OTA nước ngoài) được xác định là nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì phải có trách nhiệm đăng ký thuế trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doanh-nghiep-du-lich-lu-hanh-trong-nuoc-keu-bat-binh-dang-5642678.html