Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thực thi luật Phòng chống tham nhũng

Ngày 12/12, tại Hà Nội, hơn 120 đại diện doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, chính phủ, địa phương và các đối tác phát triển có mặt tại Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận về thực tế thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) trong doanh nghiệp và các tổ chức khu vực ngoài nhà nước, nhằm đưa ra những khuyến nghị cần thiết để thúc đẩy việc thực thi pháp luật PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước một cách hiệu quả.

Diễn đàn là một trong các hoạt động trọng tâm của Dự án vùng của UNDP về “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh Công bằng ở ASEAN” do Chính phủ Anh tài trợ. Dự án nhằm hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong doanh nghiệp, tăng cường các chiến lược, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, xuất phát từ đòi hỏi của cuộc đấu tranh PCTN, để hoàn thiện thể chế, chính sách trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngày 20/11/2018, Quốc hội đã ban hành Luật PCTN năm 2018 và ngày 01/7/2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN năm 2018.

Một trong những nội dung mới của Luật và Nghị định trên được dư luận rất quan tâm đó là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và chế độ trách nhiệm của người đứng đầu được áp dụng đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội.

Đồng thời, Luật cũng khuyến nghị các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng, giám sát việc chấp hành pháp luật về PCTN của các hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Bà Catherine Phuong, Trợ lý Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam nhấn mạnh: “Việc thực hiện pháp luật đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ phía chính phủ mà còn từ phía doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần đóng vai trò chủ động và tích cực trong việc thực hiện pháp luật và quy định, đồng thời phải đảm bảo thúc đẩy công bằng, bao trùm, liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chính hoạt động kinh doanh của mình.”

Về thực tiễn, hiện nay, ngoại trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty đa quốc gia có đại diện Việt Nam vốn đã có bộ quy tắc ứng xử doanh nghiệp và cơ chế kiểm soát nội bộ rất tốt, còn lại nhiều doanh nghiệp trong nước vấn đề này vẫn là một khâu yếu.

Không ít doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước hiện nay còn có những nhận thức chưa đúng đắn về vấn đề này khi “bị” Luật PCTN đưa vào đối tượng điều chỉnh. Họ cho rằng, Nhà nước can thiệp quá sâu vào khu vực tư, coi PCTN là của khu vực công, do vậy họ quan niêm rằng Nhà nước hãy cứ làm tốt PCTN trong khu vực công đi đã rồi hãy tính đến PCTN trong khu vực tư. Thâm chí họ còn lo ngại hiệu ứng ngược, tức nguy cơ chuyển định hướng của các cơ quan PCTN bởi PCTN ở khu vực công đã rất khó khăn, rất động chạm, giờ mở thêm quyền hạn chống tham nhũng sang khu vực tư thì các cơ quan PCTN sẽ ưu tiên PCTN trong khu vực tư hơn…

Ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc vùng Đông Bắc, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam VIB cho rằng, để PCTN hiệu quả trong doanh nghiệp thì mỗi doanh nghiệp cần xây dựng được cơ chế thu nhập từ cấp nhân viên tới cán bộ cấp cao. Khi xây dựng được cơ chế thu nhập hợp lý thì những người này sẽ không nhu cầu tham nhũng hoặc nếu có cơ hội tham nhũng, họ sẽ cân nhắc giữa cái lợi và cái mất của mình mà không thực hiện hành vi tham nhũng.

Diễn đàn cũng đề cập tới sự cần thiết, phù hợp của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN đối với khu vực này. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy kinh doanh liêm chính của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước ở cả thị trường trong nước và quốc tế, cụ thể là những quy định nội bộ của doanh nghiệp, khu vực ngoài nhà nước về các biện pháp PCTN.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-dong-vai-tro-quan-trong-trong-thuc-thi-luat-phong-chong-tham-nhung-129735.html