Doanh nghiệp đóng vai trò chủ thể để ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Quỹ Châu Á tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Quỹ UPS thuộc Tập đoàn chuyển phát nhanh quốc tế UPS (Hoa Kỳ) tổ chức hội thảo 'Công bố báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam'.

Báo cáo tập hợp tiếng nói của gần 10.400 doanh nghiệp đang hoạt động ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, có 8.773 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước và gần 1.583 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Báo cáo đã tổng hợp nhiều đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về tác động của rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây có thể xem là điều tra doanh nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về chủ đề rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: "Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu là những vấn đề mà quốc gia nào cũng phải đối mặt. Không một quốc gia nào an toàn, không một khu vực nào nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Trong một thập kỷ qua, chúng ta có thể chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan đã diễn ra ngày một phổ biến hơn, khắc nghiệt hơn và gây ra nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội. Có thể nói, rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu chính là một trong những nguy cơ tồn vong hiện hữu lớn nhất mà Trái Đất và nhân loại đang đối mặt".

TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ, theo nhiều dự báo, Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất từ các hiện tượng biến đổi khí hậu. Những hình thái thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài bất thường hơn và liên tục lập những kỷ lục mới dựa trên các kết quả đo lường về khí hậu thủy văn ở Việt Nam như những đợt nắng nóng, bão lũ, hạn hán, triều cường, xâm nhập mặn… những thiệt hại ấy càng nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp bách của những hành động bảo vệ môi trường.

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã và đang tuân thủ nghiêm túc Công ước khung của Liên Hợp Quốc, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tích cực hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về bảo vệ môi trường và ưu tiên nguồn lực cho việc triển khai các chương trình liên quan đến ứng phó tác động rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo

TS Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Trong việc thực hiện các chương trình ứng phó với với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu thì doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, là chủ thể trong những nỗ lực ứng phó, thích nghi với thiên tai và biến đổi khí hậu”.

Kết quả điều tra cho thấy biến đổi khí hậu đang có tác động tương đối tiêu cực tới các doanh nghiệp Việt Nam. Tác động tiêu cực này mang tính đa diện đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp. Đó là bị gián đoạn sản xuất kinh doanh, năng suất lao động bị giảm, suy giảm doanh thu, bị gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mạng lưới phân phối bị đình trệ, bị giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực, thiếu nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất. Các doanh nghiệp ở vùng Duyên hải miền Trung đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn hơn cả so với các vùng còn lại. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là ngành mà các doanh nghiệp chịu tác động lớn hơn cả…

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu với sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan, các doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai khá nhiều các hoạt động ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã tham gia đóng góp, ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai. Hầu hết các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia các hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả nếu thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đánh giá tương đối tích cực về mức độ sẵn sàng của chính quyền trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Việc tiếp cận thông tin, số liệu về thời tiết tại địa phương tương đối thuận lợi. Chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời khắc phục thiệt hại sau khi thiên tai xảy ra, điều này cho thấy chính quyền các tỉnh, thành phố đã rất chủ động trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai có liên quan tới doanh nghiệp.

Đa số doanh nghiệp cũng nhận thức biến đổi khí hậu ngoài tạo ra những thách thức còn đem lại cơ hội cho việc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, tạo ra sản phẩm và công nghệ mới, đồng thời xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, báo cáo điều tra cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng đầu tư để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường. Trung bình, các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả tới 7,32% chi phí hoạt động cho việc thân thiện hơn với môi trường. Theo đó, động cơ quan trọng để các doanh nghiệp gia tăng đầu tư để thân thiện hơn với môi trường bao gồm chất lượng lao động tại địa phương, môi trường kinh doanh thuận lợi, mong muốn gia nhập tốt hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gia tăng do biến đổi khí hậu.

Các đại biểu thảo luận, chia sẻ tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đại diện các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế đã cùng nhau thảo luận về: “Biến đổi khí hậu và sự phát triển của công đồng doanh nghiệp: Thách thức, cơ hội và hành động”; “Các giải pháp chính sách thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu” nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp tạo ra tiếng nói quan trọng trong hoạt động ứng phó và thích nghi với rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu; có sự liên kết, hợp tác về các vấn đề môi trường và phát triển.

Theo đó, để thúc đẩy các doanh nghiệp thân thiện hơn với môi trường, rõ ràng chính quyền có vai trò rất quan trọng. Đó là cần tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp an tâm đầu tư. Đồng thời với đó là cần chú trọng nâng cao chất lượng lao động tại các địa phương, mà cụ thể là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Đồng thời với đó, là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tận dụng các cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia ngày một sâu rộng vào các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường.

Nguyễn Hoan

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/doanh-nghiep-dong-vai-tro-chu-the-de-ung-pho-thich-nghi-voi-bien-doi-khi-hau-578530.html