Doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19

Dù đã lường trước về những tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19 đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh, thị trường lao động, nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn không thể chủ động hết các biện pháp, nhất là khi nguồn nguyên liệu và đầu ra phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc và Châu Âu. Khó khăn cả trong lẫn ngoài, DN đang đề nghị ngành chức năng và chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ, tiếp sức.

Tại 2 khu công nghiệp lớn của tỉnh là Bình Hòa và Bình Long, rất ít DN báo cáo không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhịp độ sản xuất bình thường. Còn lại đa số DN vừa lo duy trì sản xuất, vừa lo thiếu hụt nguồn lao động. Các công ty thủy sản tại Khu công nghiệp Bình Long (Hòa Phát, Đông Á, Bình Long) do chưa xuất khẩu được hàng hóa sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc (chiếm thị phần khoảng 60-70% hợp đồng) nên hàng hóa đang tồn đầy kho.

Một số DN thức ăn thủy sản cũng gặp khó theo do thiếu nguồn nguyên liệu phụ phẩm cá. Ban giám đốc các công ty đã sắp xếp thời gian làm việc từ 6 ngày/tuần còn 4 ngày/tuần. Việc này đã ảnh hưởng đến tiền lương sản lượng, phụ cấp... của người lao động (NLĐ), song tối thiểu vẫn đảm bảo trên mức lương tối thiểu vùng.

DN ngành nghề may mặc (hầu hết có vốn đầu tư nước ngoài) cũng bị ảnh hưởng một phần do nguồn nguyên liệu sản xuất nhập từ Trung Quốc, tuy nhiên nhờ có giải pháp dự phòng chuyển hướng nhập nguyên liệu từ các nguồn khác nên vẫn duy trì được các hoạt động.

Trong khi ngành thủy sản biến động lao động nhẹ thì ngành may mặc đang có chiều hướng tăng (khoảng 1.000 lao động). Tuy tín hiệu tích cực nhưng DN cho biết con số này còn thấp so nhu cầu tuyển dụng của công ty, dù đã nỗ lực tuyên truyền, cải thiện thu nhập, đời sống cho NLĐ.

Dịch bệnh Covid-19 đang tác động lên mọi ngành nghề, lĩnh vực sản xuất

Cũng như các DN khác, Tập đoàn Sao Mai đang gặp khó khăn trong xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc. Trước mắt, DN có nhiều biện pháp tìm thị trường mới, ưu tiên cho thị trường nội địa để giải phóng nhanh các mặt hàng tồn kho; duy trì sản lượng, lực lượng công nhân ổn định, mặt hàng thức ăn cho cá giảm 10%.

Hoạt động du lịch của công ty cũng tương tự, nhưng DN vẫn chú trọng và mạnh dạn đầu tư vào những hạng mục mới ở rừng tràm Trà Sư, đồi Tức Dụp, khai thác du lịch dưới những tấm pin năng lượng mặt trời tại xã An Hảo (Tịnh Biên) và tỉnh Long An. Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang tạm thời đã thu hẹp thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Còn Công ty Cổ phần Vận tải An Giang cho biết, lượng khách đi xe buýt giảm hơn 39%, xe hợp đồng giảm hơn 70% nên ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập của nhân viên. Công ty đã giảm tour và chuyến đối với xe buýt, trong khi xe hợp đồng cố gắng duy trì tuyến Long Xuyên - TP. Hồ Chí Minh, đẩy mạnh công tác tiếp thị và chăm sóc khách hàng.

Tại TP. Long Xuyên, các ngành kinh doanh thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại, thủy sản, may mặc đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh Covid-19, kinh doanh thua lỗ, đơn đặt hàng giảm mạnh, xuất khẩu hàng không được.

Ghi nhận ở Công ty TNHH DV TM Nguyễn Huệ, khách sạn Hòa Bình 1, 2, siêu thị Nguyễn Kim, Công ty Du lịch Việt Xanh… sức mua sắm, ăn uống, khách đến lưu trú, tham quan du lịch giảm mạnh. Doanh thu giảm, một số nơi đối mặt khó khăn khi không đủ tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ, hoạt động sản xuất cầm chừng.

Hiện nay, sản lượng sản xuất ở Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang giảm 50%, không có đơn đặt hàng mới. Còn Công ty Cổ phần Việt An, công nhân đến xưởng trong tháng 2 và 3 cầm chừng “ngày làm, ngày nghỉ”. Ngoài ngành may mặc giảm giờ làm và ngày công lao động, những DN khác đều có công nhân nghỉ từ 100-250 người.

Ở địa bàn huyện Châu Phú, một số công ty thủy sản (ngoài khu công nghiệp) cũng gặp khó vì giá cá tra rớt “thê thảm”, hàng sản xuất ra ứ đọng nhiều đang phải lưu ở các kho lạnh. Không chỉ vậy, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, NLĐ còn dè chừng chưa nộp đơn xin việc làm nên ảnh hưởng việc tuyển dụng NLĐ vào làm việc.

Nhìn chung trong thời điểm này, các công ty, DN đang “bão hòa”, đồng thời điều chỉnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, tìm những đối tác mới tiềm năng và tin cậy, phương thức sản xuất phù hợp nhằm giữ chân NLĐ và ổn định nhịp độ sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm.

Trước tình hình khó khăn, các DN đã kiến nghị ngành chức năng, lãnh đạo tỉnh có các giải pháp hỗ trợ như: giãn thời gian thu tiền nợ điện, giảm thuế, giảm đóng bảo hiểm cho NLĐ đến khi tình hình khả quan hơn. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ, gỡ khó giúp DN trong xuất, nhập khẩu hàng hóa sang nước ngoài hoặc liên kết hợp tác với các DN trong nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Khi chỉ thị được triển khai thực hiện, đây là cứu cánh cho các DN trong điều kiện gặp nhiều khó khăn như hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện: vừa chống dịch nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu về tăng trưởng kinh tế. Trong tỉnh, các sở, ban, ngành đang khẩn trương khảo sát ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với DN, đời sống NLĐ, các mặt an sinh xã hội để đề xuất giải pháp hỗ trợ kịp thời.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/doanh-nghiep-doi-mat-nhieu-kho-khan-do-dich-benh-covid-19-a267112.html