Doanh nghiệp địa ốc đua nhau lên sàn

Bất chấp thị trường chứng khoán kéo dài các phiên giảm điểm nhiều hơn hồi phục, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn đặt kế hoạch huy động vốn thông qua niêm yết…

Niêm yết cũng là đích đến sau một chặng tích lũy thành công của các doanh nghiệp có thế mạnh ban đầu là phân phối, như Đất Xanh, TTCLand (tiền thân là Sacomreal), Hưng Thịnh Corp… và chính các doanh nghiệp này đã phần nào trở thành “liều thuốc” kích thích hàng loạt doanh nghiệp BĐS mới ra đời hôm nay.

CTCP Bất động sản Thế Kỷ dự kiến sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán vào quý III/2018.

Sàn bất động sản đổ bộ sàn chứng khoán

Trong quý II/2018, sàn HNX có thêm một doanh nghiệp bất động sản (BĐS) được phát triển từ các nhà sáng lập có kinh nghiệm trước đó tại Đất Xanh Group - doanh nghiệp điển hình đi lên từ nghề môi giới. Đó là Netland, Cty này dù lấn sân sang đầu tư địa ốc và có kế hoạch hợp tác chiến lược với các nhà phát triển xây dựng - địa ốc từ Nhật Bản đến Hồng Kong, song lợi thế được đánh giá lớn nhất vẫn là lõi từ hệ thống phân phối của CTCP BĐS Danh Khôi. Netland sở hữu tới 95% cổ phần của Danh Khôi.

Một khi áp lực siết tín dụng địa ốc đã cận kề, cho dù thị trường BĐS có điều chỉnh tới đâu, thì thị trường chứng khoán sẽ vẫn còn tiếp tục là “điểm tập kết” của các doanh nghiệp có đặc thù kinh doanh cần vốn lớn.

Nối tiếp NRC, CENland - CTCP BĐS Thế Kỷ, cũng dự kiến niêm yết trên sàn chứng khoán vào quý III/2018. Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng giám đốc CENLand, cho biết CENLand là doanh nghiệp đứng đầu thị phần môi giới BĐS tại Việt Nam hiện nay và là đối tác của hơn 100 nhà phát triển BĐS, nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam.

Tại thời điểm 31/12/2017, CENLand có tổng tài sản đạt 1.054 tỷ đồng với vốn chủ sở hữu 578 tỷ đồng. Cty thực hiện cả dịch vụ môi giới, hoạt động đầu tư thứ cấp và nghiên cứu, tư vấn marketing. Theo đó, CENLand cũng mua các sản phẩm BĐS từ các chủ đầu tư, sau đó bán lại ở thị trường thứ cấp. Đây là hoạt động cần nhiều vốn và hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao. Tất nhiên, để làm được điều này, Cty cần có “tiền tươi thóc thật”.

Đẩy mạnh hoạt động và tăng cường dấn sân sang phân phối “sỉ” đến “lẻ”, và tích lũy đầu tư dự án, với các doanh nghiệp địa ốc, “mọi con đường đều dẫn về niêm yết”.

Niêm yết tạo thanh khoản

Trong tháng 6, để gia tăng thanh khoản của cổ phiếu, CTCP Văn Phú Invest đã chuyển sang sân chơi lớn HOSE. Trước đó, Văn Phú Invest với mã chứng khoán VPI đã chào sàn HXN vào cuối 2017 với giá khởi điểm là 27.600 đồng/cp.

Điều đáng nói ở VPI là, tuy khẳng định do đã cân đối vốn nên chưa có nhu cầu huy động vốn năm 2018-2019, song trong thời điểm 3 tháng trước khi lên sàn, Văn Phú đã có 2 đợt tăng vốn thần tốc, đưa vốn điều lệ từ 260 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng.

Trong những trường hợp bùng nổ vốn điều lệ trước khi đại chúng hóa Cty để sàn, nhiều chuyên gia phân loại sẽ có trường hợp rơi vào nhóm tranh thủ “thổi” quy mô và đẩy định giá cổ phiếu cho đến khi niêm yết để cổ phiếu về lại giá trị; hoặc có trường hợp cũng tranh thủ thổi quy mô để tạo điều kiện huy động vốn tín dụng dễ dàng hơn.

Dù vậy, việc chuyển sàn sớm của VPI được giới đầu tư đánh giá cao vì thực tế cho thấy, sân chơi lớn luôn đồng nghĩa với những cơ hội thanh khoản của cổ phiếu khủng.

Trước VPI, đã có hàng loạt doanh nghiệp địa ốc chuyển sàn từ UpCOM hay HNX sang HOSE, như trường hợp của SCR hay gần đây nhất là sự đổ bộ của CTCP Đạt Phương (DPG), với tham vọng đứng đầu nhờ đầu tư xây dựng BOT, thủy điện lẫn BĐS nghĩ dưỡng tại Miền Trung.

Thị trường bước sang tháng 7 đang có nhiều thông tin không hoàn toàn tích cực. Tình trạng “sóng gió” thị trường khi niêm yết chuyển sàn mà VPI đang gặp, liệu có lặp lại với Hải Phát Invest khi Cty này cũng dự kiến niêm yết 150 triệu cổ phiếu HPX tại HOSE trong tháng 7? Hay xa hơn, sắc màu thị trường nào sẽ chào đón sự đổ bộ của Hưng Thịnh, An Gia… dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay?.

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/doanh-nghiep-dia-oc-dua-nhau-len-san-132414.html