Doanh nghiệp dệt may mùa Covid-19: Kẻ cười, người khóc

Thiếu thị trường và nguyên liệu do dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp dệt may sa sút phong độ song cũng giúp một số bứt lên mạnh mẽ.

Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã TCM) cho biết doanh thu trong tháng 2/2020 đạt khoảng 12,7 triệu USD, lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 409 ngàn USD, lần lượt giảm 29% và 63% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đạt doanh thu khủng trong tháng 2/2020 nhờ sản xuất khẩu trang. (Ảnh: TNG)

Nhiều doanh nghiệp dệt may đạt doanh thu khủng trong tháng 2/2020 nhờ sản xuất khẩu trang. (Ảnh: TNG)

Lũy kế 2 tháng đầu năm, doanh thu của TCM đạt khoảng 21,3 triệu USD, lợi nhuận đạt hơn 820 ngàn USD.

Dệt may Thành Công cho biết, kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch một phần do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo giới phân tích, dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực lên doanh nghiệp dệt may Việt Nam, do nguồn nguyên liệu chủ yếu phụ thuộc từ Trung Quốc. Dịch virus corona bùng phát và lan rộng khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu đóng cửa không hoạt động.

Không chỉ giảm doanh thu và lợi nhuận, giá cổ phiếu TCM cũng trượt dốc đáng kể. Theo đó, chốt phiên cuối tuần, mã TCM đứng mức 13.850 đồng/cổ phiếu, giảm 4,1%, tương đương mỗi cổ phiếu mất 600 đồng. Tính chung từ khi thị trường mở cửa trở lại (31/1-13/3), cổ phiếu TCM đã giảm đến 36%.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp dệt may nào cũng điêu đứng trước Covid-19. Theo thông tin từ Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG), tháng 2 năm nay, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt gần 289 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu xuất khẩu xấp xỉ 220 tỷ đồng, tăng 47%; doanh thu nội địa đạt 36 tỷ đồng, tăng đến 240%.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho biết, tăng trưởng doanh thu nội địa chủ yếu nhờ các đơn hàng sản xuất khẩu trang giữa dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, đơn hàng cho năm 2020 của TNG rất tích cực, các khách hàng đều đề nghị tăng đơn hàng. Khách hàng truyền thống của TNG như Decathlon (Pháp) tăng 29% so với cả năm 2019, Sportmaster (Nga) tăng 73%,… Trong đó, Sportmaster còn đề nghị TNG tăng giá trị đơn hàng lên 15-20 triệu USD trong năm 2020, gấp 3 lần so với mức hiện nay, tương đương giá trị công suất 1 nhà máy của TNG.

Trước nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế tăng cao dẫn đến khả năng khan hiếm mặt hàng này, TNG đã tiến hành sản xuất khẩu trang với năng lực dự kiến 50.000-60.000 chiếc/ngày, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Vẫn theo ông Thời, năng lực sản xuất của TNG có thể tăng lên 200.000 chiếc mỗi ngày nếu thị trường có nhu cầu.

Về nguyên liệu, nguyên phụ liệu sản xuất trong quý 1 và đầu quý 2 đã được nhập về công ty từ trước tết Nguyên đán do đó các đơn hàng giao trong 2 quý này bị ảnh hưởng rất ít. Đến nay TNG đã ký đủ đơn hàng sản xuất đến quý III/2020 và chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu đến giữa quý 2 nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất kinh doanh.

Trên thị trường, cổ phiếu TNG chốt tuần mức 13.600 đồng/cổ phiếu, tăng 3% so phiên liền trước.

Hòa Bình

Nguồn VTC: https://vtc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-det-may-mua-covid-19-ke-cuoi-nguoi-khoc-ar533512.html