Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Vẫn còn điểm nghẽn!

Theo Báo cáo mới đây của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong các ngành nghề có số doanh nghiệp mới giảm so với cùng kỳ năm trước thì các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm 6,6%. Con số này đã lần nữa nói lên việc thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp theo như chủ trương lại đang gặp khó.

Vẫn còn điểm nghẽn

Doanh nghiệp nông nghiệp vốn được coi là “bà đỡ” của ngành nông nghiệp. Để “bà đỡ” cho ngành nông nghiệp phát triển đúng như kỳ vọng, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều kế hoạch hành động để hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020. Với hành động này, Bộ NN&PTNT hy vọng, mỗi năm, Việt Nam sẽ tăng thêm 10% số lượng doanh nghiệp nông nghiệp.

Cách đây hơn chục năm, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta đã ban hành nhiều luật và nhiều văn bản pháp lý. Đặc biệt trong sự tạo điều kiện này, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định về hỗ trợ liên kết phát triển cánh đồng mẫu lớn. Được chú ý và ưu ái như vậy, nhưng đến nay, các doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân đã chưa phát huy được số lượng như mong muốn.

Mặc dù doanh nghiệp tư nhân phát triển rất nhanh trong cả nước nhưng các doanh nghiệp tư nhân nông nghiệp lại tăng rất chậm. Theo đánh giá, hiện nay phần lớn doanh nghiệp tư nhân nông nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Vốn kinh doanh trung bình của một DN nông nghiệp tư nhân tăng chậm, số lượng doanh nghiệp có vốn trên từ 1- 5 tỷ đồng vẫn còn cao.

Bên cạnh đó, một khó khăn đang được đưa ra là hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân trong nông nghiệp còn thấp, số doanh nghiệp thua lỗ có xu hướng tăng. Sự kết nối với thị trường của các doanh nghiệp tư nhân trong nông nghiệp còn kém. Phần lớn các doanh nghiệp thực hiện thu mua nông sản của nông dân thông qua hệ thống các đại lý hay thương lái, ít các mô hình có liên kết trực tiếp với nông dân.

Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra, nhưng đầu tư về nông thôn của khối doanh nghiệp này vẫn giảm dần, tỷ lệ doanh nghiệp giảm cả về đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân cho vấn đề này được đưa ra với rất nhiều đầu mối, nhưng mấu chốt nhất vẫn là điều kiện sản xuất kinh doanh không thực sự thuận lợi cho hình thức kinh tế quan trọng này.

Chính vì lý do này mà sau rất nhiều năm đổi mới, được chú ý và tạo điều kiện nhưng doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân vẫn chưa phát huy và phát triển được như mong muốn. Thực trạng này đã dẫn đến 4-5 triệu hộ kinh doanh sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp vẫn muốn ẩn danh, tránh đăng ký thành doanh nghiệp tư nhân. Nhiều doanh nghiệp của loại hình này còn trốn tránh, tìm đến với hình thức hợp tác xã để đăng ký hoạt động cho mình.

Nông nghiệp vẫn chưa là sân chơi hấp dẫn với doanh nghiệp.

Hy vọng mới

Để đẩy mạnh số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã có nhiều kế hoạch hành động để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, 2017 phấn đấu đạt mức cao trên các chỉ tiêu xếp hạng về môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng và thực thi hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp, phấn đấu giai đoạn 2017-2020 mỗi năm tăng thêm khoảng 10% số lượng doanh nghiệp nông nghiệp; trong đó, doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo chiếm khoảng 20-30%.

Trên cơ sở nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra, Bộ NN&PTNT tập trung tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp. Thứ nhất là nhóm giải pháp về tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, ngành sẽ rà soát, công khai hóa và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch sản xuất thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công.

Nhóm giải pháp thứ 2 được xác định là khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực và thị trường. Bộ sẽ hỗ trợ mở cửa thị trường nông lâm thủy sản xuất khẩu, bảo vệ thị trường trong nước khỏi tác động xấu của hội nhập; sửa đổi và thực thi chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện liên kết trong sản xuất – kinh doanh, tiếp cận tín dụng và đất đai. Bên cạnh đó, duy trì thường xuyên việc đối thoại với doanh nghiệp để tiếp thu kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế của ngành và giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các lĩnh vực chuyên ngành thuộc chức năng nhiệm vụ. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tránh chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị; thực thi các giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Ngọc Hà

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/doanh-nghiep-dau-tu-vao-nong-nghiep-van-con-diem-nghen-49358