Doanh nghiệp 'đặt hàng' đào tạo nhân lực chất lượng cao

'Đăng báo tuyển dụng 4 vị trí cấp trưởng phòng hàng năm trời nhưng không tuyển được, buộc công ty phải chuyển qua nhận người trẻ gửi đi đào tạo theo nhu cầu của mình', ông Trần Huynh Hạ, đại diện một công ty có vốn FDI ở TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Nhân sự cấp cao hiếm và đắt giá

Không chỉ ông Trần Huynh Hạ, rất nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng đang rất cần người quản lý, điều hành, mặc dù phía DN đã đưa ra những lời mời hấp dẫn nhưng vẫn khó tuyển được nhân sự phù hợp.

Một lớp học về kỹ năng quản trị DN của Trường đại học RMIT Việt Nam

Theo đánh giá của VietnamWorks, công việc dành cho người có kinh nghiệm vẫn đang thống trị thị trường tuyển dụng năm 2018, chiếm 72% nhu cầu tuyển dụng. Tiếp theo lần lượt là công việc cho cấp quản lý (trưởng phòng) chiếm 17%; sinh viên mới ra trường chiếm 8% và giám đốc chiếm tới 3% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng trên thị trường. Trong khi đó, nguồn cung lao động, ứng viên có kinh nghiệm chiếm 73%; cấp trưởng phòng chiếm 18%; sinh viên mới ra trường chiếm 6% và giám đốc chiếm 3%. VietnamWorks dự báo, top 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 gồm tài chính/đầu tư - bán hàng - hành chính/thư ký - kế toán - IT/phần mềm - marketing - chăm sóc khách hàng - kiểm toán - Internet/online media và xây dựng.

Nhân sự cấp cao nhiều DN hiện nay đang rất cần, nhất là các công ty FDI. Để “trám vào những lỗ hổng nhân sự” ở cấp quản lý, điều hành công ty, các DN hiện nay đang có xu hướng hợp tác với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước đào tạo theo nhu cầu của mình.

Ông Hoàng Minh Tiến, Giám đốc nhân sự một công ty có vốn đầu tư của Hàn Quốc (KCN Tân Bình, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, sau gần một năm tuyển hai vị trí quản lý kỹ thuật và giám đốc bán hàng nhưng không tìm được. Để giải quyết vấn đề nhân sự, công ty đã nhận hai sinh viên gửi đi Mỹ đào tạo và hiện hai nhân sự này đều là quản lý nòng cốt của công ty.

Bà Lưu Thúy Lân, Phó Giám đốc một công ty sản xuất các thiết bị cơ khí chính xác (KCN Biên Hòa II, tỉnh Đồng Nai) cho rằng, nhân lực cấp cao hiện nay vừa hiếm vừa đắt giá, vì vậy tìm được những người phù hợp là rất khó, dù trả lương cao. “Trong năm 2017 và 2018, công ty tuyển chọn 9 cử nhân loại xuất sắc vừa tốt nghiệp gửi đến Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Trường đại học Nguyễn Tất Thành đào tạo theo nhu cầu của DN. Nhờ học được những điều cần thiết mà công ty đề ra, các bạn trẻ này hiện đều đáp ứng được nhu cầu công việc của công ty”, bà Lân nói.

Sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tham gia một cuộc thi về tự động hóa

Đào tạo lại để có nhân sự cấp cao

Một giảng viên Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù mỗi năm có hàng vạn cử nhân, hàng nghìn thạc sỹ lẫn tiến sỹ ngành kinh tế, kỹ thuật, nông nghiệp… được cấp bằng tốt nghiệp, tuy nhiên để hội đủ những kỹ năng làm quản lý trong các DN hiện nay ở nước ta vẫn còn rất thiếu và yếu về chuyên môn. Trước nhu cầu về nhân lực cấp cao ngày càng lớn, nhiều DN đã chọn những cử nhân mới ra trường thuộc loại giỏi, nhân viên của công ty hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo chuyên môn quản lý, điều hành.

“Tại TP. Hồ Chí Minh, các trường đại học như Trường ĐH Kinh tế, Kỹ thuật, Tài chính, Công nghiệp, Văn Hiến, Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng… mỗi trường hiện hợp tác đào tạo cho DN hàng nghìn sinh viên. Các sinh viên này được đào tạo theo tín chỉ mà DN yêu cầu, sau khi tốt nghiệp khóa học họ trở lại công ty và thường xuyên kết nối với nhà trường để cùng giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn công việc. Đây là phương thức tìm nguồn nhân lực cấp quản lý, điều hành các DN đang cần”, vị giảng viên này phân tích thêm.

Phó giáo sư Mathews Nkhoma, Trưởng khoa Kinh doanh và quản trị Trường đại học RMIT Việt Nam cho biết, từ khóa học đầu tiên với chỉ khoảng 30 sinh viên, đến nay trường đã tạo dựng được mối quan hệ vững chắc với các tập đoàn đa quốc gia lớn, các tổ chức nghề nghiệp, các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam và ở nước ngoài trong các lĩnh vực từ khoa học công nghệ đến kinh doanh, tài chính, kế toán… Nhiều DN, tổ chức nghề nghiệp lớn, như Hiệp hội Kế toán công chứng Úc, Acumatica Singapore, National Instruments, Tổ chức Nghiên cứu khoa học ứng dụng Hà Lan (TNO)… đã ký biên bản ghi nhớ với trường nhằm tạo điều kiện cho sinh viên cọ sát với các vấn đề thực tế ngay từ những ngày ngồi trên giảng đường đại học.

Theo phó giáo sư Mathews Nkhoma, từ đầu năm 2017, RMIT Việt Nam đã thành lập Ban cố vấn DN tại tất cả các khoa trong trường vào thực tế. Ban cố vấn sẽ tư vấn cho các khoa những vấn đề liên quan đến xây dựng, truyền tải và đánh giá các chương trình học, tập trung thực hiện những nghiên cứu liên quan đến ngành nghề, và các hoạt động phát triển khác.

“Ban cố vấn tư vấn cho khoa về khuynh hướng và nhu cầu tuyển dụng cũng như nội dung chương trình giảng dạy phù hợp với yêu cầu của DN và cộng đồng. Ban cố vấn còn đưa ra đề xuất phát triển các chương trình học và giúp các chương trình hiện có đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động”, phó giáo sư Nkhoma đánh giá.

Chưa hết, từ cuối năm 2016, RMIT Việt Nam đã đẩy mạnh áp dụng phương pháp học, đánh giá qua các hoạt động thực tế, theo đó sinh viên sẽ được giao giải quyết một tình huống thật sự của một DN cụ thể. Hoạt động này sẽ không thể thực hiện được hoàn hảo và thành công nếu không có sự đóng góp của DN trong các ngành nghề khác nhau.

Giáo sư Beverly Webster - Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Đại học RMIT Việt Nam - chia sẻ, giảng viên RMIT kết nối chặt chẽ với DN và được cập nhật về các khuynh hướng phát triển của từng ngành nghề nên họ có thể thiết kế cách học và đánh giá sinh viên theo sát thực tiễn.

“Với môi trường làm việc, tính chất công việc đổi thay liên tục như hiện nay, việc DN và nhà trường cùng nhau tạo ra những trải nghiệm đích thực là động thái cần được đẩy mạnh để tạo ra những tân khoa sẵn sàng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp”, giáo sư Beverly Webster khẳng định.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-dat-hang-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-112033.html