Doanh nghiệp đào vàng hủy hoại rừng đặc dụng ở Thái Nguyên: Có sự bao che?

Với những hành vi hủy hoại rừng nghiêm trọng của Cty khoáng sản Thăng Long cần phải giao cho cơ quan chức năng xử lý nghiêm nhưng diễn biến vụ việc cho thấy doanh nghiệp này đang được bao che…

Đường dẫn vào công trường khai thác vàng.

Đường dẫn vào công trường khai thác vàng.

Vì sao UBND tỉnh Thái Nguyên bao che cho sai phạm?

Mặc dù tại hầu hết các biên bản kiểm tra thực địa của các cơ quan chuyên môn tỉnh Thái Nguyên đều thừa nhận diện tích rừng đặc dụng bị công ty Thăng long hủy hoại cũng như trong Báo cáo số 99 (ngày 10/9/2018) của UBND tỉnh Thái Nguyên do ông Đoàn Văn Tuấn- Phó Chủ tịch ký gửi Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định: “Tổng diện tích khu vực văn phòng Công ty khoáng sản Thăng Long khoảng 1,67 ha, thuộc quy hoạch rừng đặc dụng.

Khu vực đình, đền, chùa Bản Ná có tổng diện tích khoảng 0,12 ha thuộc quy hoạch rừng đặc dụng. Khu vực đổ thải của công ty thực tế khoảng 5,78 ha, trong đó có 5,3 ha thuộc quy hoạch rừng đặc dụng”.

Nhưng chỉ sau đó 2 tháng (tháng 11/2018), tại kết luận kiểm tra số 4615, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên lại có kết luận khác so với thực tế.

Theo đó, với khu vực văn phòng điều hành của Cty khoáng sản Thăng Long, tại kết luận số 4615 thì sai phạm xâm chiếm đất rừng đặc dụng đã được hóa giải.

Lúc này UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “đối chiếu với bản đồ hiện trạng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng thì diện tích khu văn phòng gồm 6,682 ha đất nông nghiệp, 1,634 ha đất trống có cây gỗ rải rác (thuật ngữ được dùng thay thế cho đất thuộc quy hoạch rừng đặc dụng- PV); Công ty không xâm phạm đất rừng đặc dụng”.

UBND tỉnh Thái Nguyên kết luận lấp lửng rằng: Theo bản đồ hiện trạng và bản đồ quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích đất rừng đặc dụng tại vị trí trên là không chính xác. Công ty mua bán, chuyển nhượng đất và tài sản trên đất là khu vực văn phòng nhưng chưa thực hiện các thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. UBND tỉnh Thái Nguyên không kết luận đúng hay sai trong hành vi này mà bỏ lửng cho thấy dấu hiệu bất thường về sự minh bạch của cơ quan này.

Với khu vực đổ thải khai thác khoáng sản của Công ty khoáng sản Thăng Long, trước đó, tại báo cáo số 99 (ngày 10/9/2018) của UBND tỉnh Thái Nguyên do ông Đoàn Văn Tuấn- Phó Chủ tịch ký gửi Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên chỉ rõ: “Khu vực đổ thải của công ty thực tế khoảng 5,78 ha, trong đó có 5,3 ha thuộc quy hoạch rừng đặc dụng”.

Bãi tập kết đất thải khổng lồ.

Tuy nhiên, chỉ sau đó 2 tháng, tại Kết luận kiểm tra số 4615 (tháng 11/2018) câu chuyện vi phạm lại hoàn toàn được xóa trắng. Cụ thể lúc này UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Công ty đã đổ thải trên diện tích 10, 646 ha đất. Trong đó có 4,94 ha là đất nông nghiệp, 4,771 ha đất tại lô 4, khoảnh 3, tiểu khu 85 là đất trống có cây gỗ rải rác; 0,935 ha đất có rừng non phục hồi”.

Lúc này 5,3 ha thuộc quy hoạch rừng đặc dụng đã bị lập lờ đánh lận thành “đất trống có cây gỗ rải rác”.

Ở khu vực khai thác khoáng sản của Công ty khoáng sản Thăng Long UBND tỉnh Thái Nguyên thừa nhận đối chiếu với bản đồ hiện trạng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2006, năm 2013 và hiện nay thì diện tích mỏ mà doanh nghiệp trên được cấp phép có 9,998 ha đất rừng đặc dụng.

Nhưng sau đó, tỉnh Thái Nguyên lại cho rằng khi đối chiếu với các bản đồ khác thì bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2006, năm 2013 và hiện nay là không chính xác, không đúng thực tế.

Dấu hiệu hợp thức cho sai phạm ở đây là việc năm 2016- 2018 tỉnh Thái Nguyên điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, trong đó đang rà soát và điều chỉnh diện tích 9,998 ha quy hoạch là rừng đặc dụng ra đất sản xuất kinh doanh.

Xử lý nửa vời

Tại kết luận số 4615, UBND tỉnh Thái Nguyên kết luận Sở NN&PTNT, Chi cục lâm nghiệp Thái Nguyên chịu trách nhiệm trong việc quy hoạch đất rừng đặc dụng năm 2006, năm 2013 gồm cả đất ở, ruộng, vườn, nương rấy cố định của dân cư sống trong rừng đặc dụng.

UBND huyện Võ Nhai, UBND xã Thần Sa, Công ty khoáng sản Thăng Long chịu trách nhiệm về việc chưa kịp thời quản lý và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đất đai để xẩy ra việc mua bán, chuyển nhượng khi chưa hoàn thiện các thủ tục… chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất chưa đúng quy định.

Các ngành chức năng của UBND tỉnh, UBND huyện Võ Nhai chưa kịp thời phát hiện và hướng dẫn doanh nghiệp về việc đổ thải… Kiến nghị xử lý chỉ là nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm.

Công trường khai thác sâu hàng trăm mét tại bãi vàng Bản Ná.

Theo ghi nhận của phóng viên, việc đề nghị xử lý như trên của UBND tỉnh Thái Nguyên đối với các tổ chức, đơn vị có liên quan đang khiến dư luận tại Thái Nguyên bức xúc cho rằng việc xử lý nửa vời kiểu trên là thiếu trách nhiệm, chưa nghiêm túc.

Một loạt các sai phạm (đã được chỉ ra) như: Diện tích đất để mở rộng đường vào quy hoạch đất rừng đặc dụng, rừng sản xuất năm 2006, năm 2013; Việc mua bán đất, tài sản trên đất của các hộ dân làm khu văn phòng điều hành và công trình phụ trợ; Việc đổ thải khi không được cấp phép; Không có hồ sơ khi thi công, cải tạo các công trình đình, đền, chùa… đều có trách nhiệm của người đứng đầu UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Nông nghiệp, Sở TNMT, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa Thể thao và du lịch, UBND huyện Võ Nhai, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng.

Những cơ quan, người đứng đầu cơ quan này cần phải được xem xét trách nhiệm một cách nghiêm khắc.

(Còn nữa)

Nhóm PV - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/doanh-nghiep-dao-vang-huy-hoai-rung-dac-dung-o-thai-nguyen-co-su-bao-che-69239-3.html