Doanh nghiệp đánh giá cao tính năng động và hiệu lực của chính quyền cơ sở

Kết quả DDCI Quảng Ninh 2018 cho thấy, doanh nghiệp đánh giá cao chỉ số tính năng động và hiệu lực của chính quyền, sở, ban, ngành, địa phương.

Đại diện lãnh đạo Sở TT&TT và Công ty Cổ phần VNG ký thỏa thuận hợp tác về triển khai ứng dụng Zalo trong công tác truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Minh Hà

Đại diện lãnh đạo Sở TT&TT và Công ty Cổ phần VNG ký thỏa thuận hợp tác về triển khai ứng dụng Zalo trong công tác truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Minh Hà

Cụ thể, ở khối sở, ban, ngành ghi nhận 4 đơn vị dẫn đầu với điểm số rất cao trên 9 điểm (thang điểm 10), gồm: Sở TN&MT, Sở Tư Pháp, Sở KH&ĐT, Cục Thuế, Sở Công Thương. Ở khối địa phương, 3 địa phương xuất sắc là: Huyện Hoành Bồ, huyện Hải Hà và TP Cẩm Phả đạt trung bình xấp xỉ 9 điểm, trong đó huyện Hoành Bồ xếp thứ nhất với 9,03 điểm; có 8 địa phương đạt trên 8 điểm.

Để có kết quả cao như trên, ngay từ đầu năm Sở TN&MT đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về việc thực hiện chỉ số DDCI. Sở cũng triển khai tích cực chương trình "Cafe doanh nhân", tháo gỡ nhiều vướng mắc của doanh nghiệp. Cùng với đó, Sở đã gửi thư đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở và các sở, ban, ngành, địa phương trong việc giải quyết nhanh nhất, hiệu quả nhất các thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên môi trường.

TP Cẩm Phả được doanh nghiệp đánh giá rất tích cực khi 2 năm liên tiếp được vinh danh Quán quân DDCI. Ông Đào Duy Hảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cẩm Phả, cho biết: Bất kể khi nào, doanh nghiệp có vướng mắc, cuối giờ chiều đều có thể gặp trực tiếp lãnh đạo tỉnh để đề xuất tháo gỡ khó khăn.

Chỉ số tính năng động và hiệu lực của hệ thống chính quyền sở ban ngành, địa phương năm 2018.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu DDCI tại Quảng Ninh, so với năm 2016, rất nhiều hạng mục đánh giá của doanh nghiệp đối với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể: Năm 2016 chỉ có 33% số doanh nghiệp được hỏi cho biết chính quyền địa phương chủ động tham mưu và kiến nghị UBND tỉnh các đề xuất, giải pháp cụ thể về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (năm 2018 tăng lên 80%); 67% doanh nghiệp cho rằng sở, ban, ngành kịp thời nắm bắt và có phương án xử lý những bất cập, vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình (nay tăng lên 83%); 75% doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa từng nhận được sự hỗ trợ nào của chính quyền địa phương (nay thu hẹp chỉ còn 45%).

Khối chính quyền địa phương, năm 2016 chỉ có 48% số doanh nghiệp đánh giá thực hiện các chính sách của tỉnh hiệu quả, năm 2018 tăng lên 94%, đặc biệt có tới 90% số doanh nghiệp cho biết chính quyền địa phương sáng tạo, mạnh dạn triển khai các chủ trương, quyết định của tỉnh theo hướng có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, con số này cách đây 3 năm chỉ là 45%.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật, Trưởng Nhóm nghiên cứu DDCI tại Quảng Ninh, nhận định: Chỉ số tính năng động và hiệu lực của chính quyền sở, ban, ngành, địa phương thực sự là điểm sáng của DDCI năm 2018. Qua đó, góp phần giúp cho kết quả PCI của tỉnh công bố tới đây có kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, chỉ số này cũng có nội dung cần tiếp tục khắc phục, bởi 2018 là năm duy nhất có 37% số doanh nghiệp ghi nhận hiện tượng trì hoãn, chậm trễ thực hiện quyết định, chủ trương của UBND tỉnh tại địa phương, cao hơn so với mức thống kê năm 2016. Điều này đòi hỏi tỉnh Quảng Ninh, các sở, ngành, địa phương của tỉnh cần tiếp tục có giải pháp mới, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thanh Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201903/doanh-nghiep-danh-gia-cao-tinh-nang-dong-va-hieu-luc-cua-chinh-quyen-co-so-2431927/