Doanh nghiệp đa ngành của Việt Nam: Thua cuộc vì đầu tư dàn trải?

Mất cân đối tài chính, lấy nợ ngắn hạn đầu tư dài hạn nhưng chưa hoặc không hiệu quả như kỳ vọng là những lý do tụt lại dễ nhận thấy nhất của một số doanh nghiệp lớn. Không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong thời gian qua đã đầu tư cùng lúc nhiều lĩnh vực khác nhau. Một DN sản xuất bánh kẹo, hàng tiêu dùng, hạ tầng, thậm chí là đồ gỗ vẫn phân bổ vốn cho hoạt động đầu tư tài chính và bất động sản (BĐS). Người ta 'biện minh' cho câu chuyện đầu tư đa ngành là để phù hợp với quy luật (?)

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam từng nắm "ngôi vương" trong một số lĩnh vực nhưng việc mở rộng sự hiện diện ở nhiều ngành đã khiến nguồn lực bị phân tán, bị mất "ngai vàng".Nhìn nhận thẳng thắn, cách đây 3 - 4 năm, DN có được quỹ đất dễ dàng, lợi nhuận của ngành này khi đó tương đối lớn nên ai cũng muốn tham gia đầu tư. Do đó, Việt Nam chưa có công ty đa ngành nào đúng nghĩa mà nó phát sinh theo cơ chế và thời thế.

Trong khi lý thuyết kinh doanh đa ngành để giảm thiểu rủi ro cũng không chính xác. Bởi, rủi ro lớn nhất của DN không hẳn là rủi ro về tài chính mà là vấn đề cạnh tranh. Khi đầu tư cùng lúc nhiều lĩnh vực, nhiều ngành phụ, DN sẽ bị tổn hao về nguồn lực, năng lực lãnh đạo bị dàn trải và năng lực cạnh tranh cũng bị hạn chế. Trường hợp của Tập đoàn Mai Linh, DN từng dẫn đầu trong ngành vận tải taxi nhưng khi “lấn sân” sang lĩnh vực BĐS, du lịch, giáo dục, xe khách thì kết quả kinh doanh lại đi xuống.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra vào thời điểm đó là do Mai Linh đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành, chủ yếu là các trạm dừng chân ở nhiều tỉnh, thành phố. Hiện, hãng taxi đối thủ là Vinasun đã vượt mặt Mai Linh về độ phủ lẫn số lượng đầu xe.

Riêng hoạt động đầu tư trạm dừng chân, BĐS thì Mai Linh chưa có nhiều kinh nghiệm, hiệu quả không như mong đợi. Ở lĩnh vực cự ly ngắn, taxi Mai Linh đã thua cuộc trong cuộc chiến công nghệ với Uber và Grap, còn ở mảng vận tải hành khách đường dài thì Mai Linh phải cạnh tranh với hàng loạt những đối thủ lớn như: Phương Trang, Kumho, Thành Bưởi…

Nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì giấc mơ đa ngành

Nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì giấc mơ đa ngành

Trường hợp Công ty CP Thuận Thảo cũng gặp phải vấn đề tương tự. Từng là đơn vị tư nhân đầu tiên kinh doanh siêu thị và cũng khá nổi tiếng trong mảng vận tải, Thuận Thảo được lãnh đạo Phú Yên xem là một doanh nghiệp điển hình, là doanh nghiệp tiên phong của tỉnh. Từ 2003 - 2010, Thuận Thảo liên tục mở rộng ngành nghề kinh doanh. Cụ thể, đầu năm 2004, Thuận Thảo xây dựng nhà máy sản xuất nước tinh khiết mang nhãn hiệu Suga.

Cuối năm 2004, Thuận Thảo kinh doanh du lịch - giải trí với việc xây dựng Trung tâm Giải trí và Sinh thái Thuận Thảo. Sang năm 2007, Công ty khánh thành Trung tâm Hội nghị - Triển lãm và Dịch vụ du lịch Thuận Thảo. Những năm sau đó, Thuận Thảo tìm cách mở rộng diện tích và nâng cấp, bổ sung thêm nhiều dịch vụ trong chuỗi kinh doanh đa ngành.

Năm 2008, Thuận Thảo xây dựng khu resort cao cấp 10ha. Năm 2009, Thuận Thảo khánh thành khách sạn 5 sao Cendeluxe đầu tiên ở Phú Yên. Để thực hiện mục tiêu mở rộng, năm 2010 Thuận Thảo niêm yết trên sàn chứng khoán nhằm huy động vốn đầu tư. Tuy nhiên, từ khi lên sàn đến nay, Thuận Thảo chỉ một lần duy nhất huy động được 145 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư hiện hữu. Trong khi đó, Thuận Thảo cần vốn cho đầu tư bất động sản, khách sạn, khu giải trí... Thị trường ắt không quên Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) của bà Diệu Hiền ở Cần Thơ với khoản nợ tính đến năm 2012 lên tới hơn 1.500 tỷ đồng, bao gồm nợ nhà băng, nợ người nuôi cá, nợ bảo hiểm.

Năm 2012, tại cuộc họp báo định kỳ quý I về tình hình kinh tế - xã hội, UBND TP. Cần Thơ cho biết, năm 2011, kinh doanh của Bianfishco diễn ra cầm chừng vì gặp khó khăn về tài chính do nguồn tín dụng từ ngân hàng thắt chặt, việc đầu tư dàn trải, sử dụng vốn sai mục đích, lấy nợ ngắn hạn đầu tư dài hạn, đầu tư ngoài ngành (bất động sản) đã dẫn tới mất cân đối tài chính nghiêm trọng.

Hay gần đây nhất là Công ty TNHH Xuất khẩu thủy sản Thiên Mã - một trong những doanh nghiệp thủy sản nổi tiếng cũng ở Cần Thơ với 12 trang trại, 3 nhà máy chế biến thủy sản quy mô lớn và sản lượng xuất khẩu hằng năm ở mức 40.000 tấn cá da trơn, cũng bị điều tra do nợ nần chồng chất.

Tình trạng của Bianfishco, Thiên Mã cũng là tình trạng của Công ty CP Hùng Vương (HVG) hiện nay. Trong văn bản giải trình phương án khắc phục lỗ lũy kế năm 2018 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vào cuối tháng 3 vừa rồi, Hùng Vương đề cập nguyên nhân khoản lỗ sau thuế trong năm 2017 lên đến 713 tỷ đồng, gấp 14 lần so với năm 2016 (lỗ 49 tỷ đồng).

Từ một trong những doanh nghiệp lớn về sản xuất, xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam, với kết quả kinh doanh giảm sút, lỗ liên tiếp trong 2 năm qua khiến cổ phiếu HVG của Công ty CP Hùng Vương bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 26/1/2018, cụ thể là bị hạn chế về thời gian giao dịch (chỉ được giao dịch vào buổi chiều).

Kinh doanh đa ngành, mở rộng quá nhanh cả về quy mô lẫn lĩnh vực đầu tư nhưng quản trị không theo kịp đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Việc lấy nợ ngắn vay ngân hàng nuôi khoản đầu tư dài hạn đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn phải trả giá.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, trên thế giới việc phát triển theo hướng đa ngành mà những tập đoàn lớn thực hiện, như Johnson & Johnson - một tập đoàn thiết bị y tế lớn nhất thế giới với hơn 250 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhưng công ty mẹ vẫn "choàng gánh" được vì đã có lịch sử hơn trăm năm tuổi, với giá trị doanh nghiệp lên trên 70 tỷ USD, tiềm lực tài chính mạnh và có kinh nghiệm quản trị rủi ro.

Nhưng nếu doanh nghiệp nào đó của Việt Nam dựa vào vốn vay để phát triển, mở rộng nhanh các lĩnh vực kinh doanh thì phải hết sức thận trọng. Do đó, một khi đã nhận thấy chiến lược “đa ngành” không hiệu quả, lãnh đạo DN Việt Nam cũng nên “dũng cảm” từ bỏ những lĩnh vực mà mình không có năng lực cạnh tranh; đồng thời phải thực hiện việc tái cấu trúc mạnh mẽ từ nhân sự, tài chính…cho công ty./.

Cẩm Tú

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/doanh-nghiep-da-nganh-cua-viet-nam-thua-cuoc-vi-dau-tu-dan-trai-35755