Doanh nghiệp công nghệ 'kêu' vướng trong xây dựng hạ tầng cho chuyển đổi số

Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh, chúng ta nên chọn phương án cấp phép nhanh gọn nhất, không nên đặt quá nặng việc thu ngân sách, cân đối giữa các doanh nghiệp.

Theo ông Lê Đăng Dũng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, doanh nghiệp hiện gặp vướng mắc liên quan những thiếu hụt về cơ chế chính sách xây dựng hạ tầng cho chuyển đổi số.

Năm 2019, Việt Nam tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, xây dựng yếu tố nền tảng công nghệ số (platform) là cốt lõi để công cuộc chuyển đổi số thành công.

Năm 2019, Việt Nam tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, xây dựng yếu tố nền tảng công nghệ số (platform) là cốt lõi để công cuộc chuyển đổi số thành công.

Vướng từ cơ chế…

“Để xây dựng nền kinh tế số phải liên kết dữ liệu với hạ tầng siêu băng rộng và độ tin cậy siêu cao. Mạng viễn thông này phải được xây dựng trước. Tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa có đủ điều kiện pháp lý xây dựng như giấy phép thiết lập mạng, tần số vô tuyến,…”, ông Lê Đăng Dũng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.

Trên thực tế, khung pháp lý, hành lang chính sách về công nghệ thông tin và truyền thông hiện chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế trong cách mạng công nghiệp, chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam (VDCA) cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần sớm xây dựng, ban hành các luật, khung pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới, sáng tạo để kiến tạo, khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0, đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Quan trọng hơn nữa, Chính phủ phải là khách hàng lớn nhất cho các dự án về ứng dụng công nghệ 4.0, cung cấp dịch vụ công, triển khai các ứng dụng về đô thị thông minh…

Về phía doanh nghiệp, TGĐ Viettel khẳng định, với lúc này, cấp phép nhanh và kịp thời là quan trọng nhất. “Chúng ta nên chọn phương án cấp phép nhanh gọn nhất, không nên đặt quá nặng việc thu ngân sách, cân đối giữa các doanh nghiệp, nên đi theo nguyên tắc mũi nhọn, doanh nghiệp nào đầy đủ nguồn lực thì đi trước, doanh nghiệp mới thì đi sau”, ông Dũng nói.

…đến cấp phép loại hình mới

Cùng với hạ tầng chính sách, một hạ tầng quan trọng là không thể thiếu nữa là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, tài nguyên quốc gia,… TGĐ Viettel cho rằng, chúng ta đã quá chậm trong việc này, cần nhanh chóng bắt tay với các doanh nghiệp có đủ năng lực về tài chính, con người, công nghệ để tiến hành ngay các dự án này.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CMC cho biết đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về chia sẻ dữ liệu, thông tin mở.

Theo đó, nếu chiếu theo khung pháp lý hiện hành các doanh nghiệp cho rằng sẽ chậm hơn các đối thủ. Cùng với đó, cần có chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin với những ưu đãi về thuế, ưu đãi đầu tư.

Doanh nghiệp đề xuất, để tránh đầu tư lãng phí, Bộ TTTT có thể phải giám sát yêu cầu doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ mới nhất như 4G, 5G,…

“Chính phủ cũng cần nhanh chóng cấp phép Mobile money, chuyển mạch tài chính số, thử nghiệm sản phẩm dịch vụ mới để sử dụng hiệu quả những hạ tầng chúng ta xây dựng ở trên”, ông Chính nhấn mạnh.

Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đề cấp cơ chế để doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư mạo hiểm. “Chúng tôi mong muốn thực sự có cơ chế đầu tư mạo hiểm theo đúng nghĩa là đầu tư mạo hiểm chứ không phải theo cơ chế đầu tư với thủ tục phức tạp như hiện nay”, ông Chính kiến nghị.

Năm 2019, Việt Nam tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Theo đó, xây dựng các yếu tố nền tảng công nghệ số (platform) là cốt lõi để công cuộc chuyển đổi số thành công.

Nghị quyết 52-NQ/TW của Đảng về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa ban hành cũng đã nêu rõ yêu cầu: “Chỉ đạo xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, mô hình, kinh doanh mới” Tuy nhiên, nếu không gỡ vướng cho doanh nghiệp thì những quyết tâm từ Đảng và Chính phủ khó lòng đi vào cuộc sống, hiện thực mục tiêu chủ động trong cuộc cách mạng CN lần thứ tư này.

Anh Duy

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/doanh-nghiep-cong-nghe-keu-vuong-trong-xay-dung-ha-tang-cho-chuyen-doi-so-158808.html