Doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc khi tiếp cận các gói hỗ trợ

Đối với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài những kết quả đạt được nhiều gói hỗ trợ vẫn còn gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Mở đầu phiên hội thảo chuyên đề 2 của diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022, với chủ đề Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã có những ý kiến về triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là đưa ra những thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới.

Theo số liệu, đến nay các chính sách hỗ trợ giải ngân khoảng hơn 55.000 tỷ trên tổng gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng. Như vậy, mới chỉ ước đạt 16% gói hỗ trợ, trong đó lớn nhất là chính sách hỗ trợ thuế chiếm 63% cơ cấu giải ngân và chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chiếm tỉ trọng thấp nhất chưa đến 1% cơ cấu giải ngân.

Đánh giá chung về chương trình, ông Trúc Lê khẳng định các gói hỗ trợ đã kích thích được nền kinh tế phát triển và tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát nhóm nghiên cứu nhận thấy các doanh nghiệp đang cảm nhận và họ không nhận được đủ hỗ trợ 2% lãi suất trong mục tiêu chương trình.

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội thời gian qua (Ảnh: Quochoi.vn).

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội thời gian qua (Ảnh: Quochoi.vn).

“Theo dự kiến, gói hỗ trợ này sẽ đóng góp 1,5-2% tăng trưởng GDP năm 2022. Tăng trưởng GDP năm nay ước chừng khoảng 7,5%, tuy nhiên các chính sách cần phải được tổng hợp số liệu đánh giá giữa kỳ nhằm điều chỉnh kịp thời từ đó tối ưu hóa chính sách”, ông Trúc Lê phân tích.

Đối với nhóm chính sách miễn, giảm và gia hạn thuế nhờ gói hỗ trợ này nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ tốt từ việc tiết kiệm chi phí thuế nhưng lại làm phát sinh chi phí tuân thủ thuế. Ở đây chuyên gia ví dụ như chi phí tuân thủ thuế liên quan đến kiểm tra, giám sát và rà soát các loại giấy tờ hồ sơ để đảm bảo đúng quy định.

Sau khi phỏng vấn các doanh nghiệp phần lớn các doanh nghiệp đều khẳng định rằng Nghị định 15 gia hạn thời gian đóng thuế như là nguồn tài chính tạm thời hỗ trợ cho doanh nghiệp rất tốt.

Ông Trúc Lê cho biết: “Về bản chất, chúng ta đều hiểu rằng hoãn thuế là hình thức doanh nghiệp vay của Nhà nước vỡi lãi suất 0%.

Tuy nhiên cũng có những vướng mắc trong Nghị định 15, như đối với 1 khách hàng doanh nghiệp phải lập 2 hóa đơn, 1 hóa đơn ghi thuế suất 8%, 1 hóa đơn ghi thuế suất 5-10% để giải quyết khó khăn vừa nêu thì sau 8 tháng Nghị định 41 mới được ban hành và độ trễ quá dài đã gây ảnh hưởng đôi phần tới doanh nghiệp”.

Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Quochoi.vn).

Liên quan đến giảm thuế bảo vệ môi trường thực trạng cho thấy đối với gói chính sách này chiếm tỉ trọng khá lớn, nằm trong gói hỗ trợ 34.970 tỷ đồng, chiếm 63% số tiền đã giải ngân.

“Tuy nhiên, giảm thuế bảo vệ môi trường nghĩa là chúng ta đang giảm giá xăng dầu để hỗ trợ cho doanh nghiệp, sau khi giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, giá xăng trên cả nước vẫn ở mức cao thậm chí lập đỉnh và cũng có thể nói gói chính sách lúc đó chưa thực sự lan tỏa ngay và kích thích vào hoạt động của doanh nghiệp.

Nhìn chung việc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, xăng dầu đã giúp kích cầu nội địa, giúp bình ổn giá xăng dầu, và đặc biệt giúp kiềm chế một phần lãm phát”, chuyên gia thông tin.

Trước những hạn chế đó, nhóm nghiên cứu đề xuất nên tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, triển khai giảm thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, nên cân nhắc đến việc giảm thuế có điều kiện, doanh nghiệp được hưởng cam kết phải có kế hoạch thực hiện thêm các hoạt động xã hội.

Tạo nguồn vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp

Đối với nhóm chính sách gia hạn nộp tiền thuê đất, trên thực tế gói hỗ trợ liên quan đến chính sách tài khóa, ngoài thuế bảo vệ môi trường chiếm tỉ trọng cao thì chính sách gia hạn nộp tiền thuê đất và giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cũng chiếm tỉ trọng lớn.

Các doanh nghiệp khẳng định dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 - 3.700 tỷ đồng. Chắc chắn sẽ bổ sung vào dòng vốn ngắn hạn và làm giảm mất cân đối dòng tiền doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá cũng cần đề xuất cụ thể hơn đối với nhóm chính sách này. Đối với chính sách hỗ trợ 2%, doanh nghiệp đánh giá không mặn mà với gói lãi suất này vì phải đáp ứng nhiều thủ tục, điều kiện và lo ngại trách nhiệm thanh tra.

Ngoài ra đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản đảm bảo, hỗ kinh doanh cá thể chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh cũng là một trong những rào cản lớn.

Từ đánh giá, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra 5 khó khăn trong quá trình thực hiện liên quan đến phổ biến thông tin, điều kiện thụ hưởng, thời gian hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng, văn bản hướng dẫn chưa kịp thời

.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-con-gap-nhieu-vuong-mac-khi-tiep-can-cac-goi-ho-tro-a570175.html