Doanh nghiệp cơ khí trong nước lo bị 'loại' khỏi cuộc chơi làm đường sắt cao tốc

'Nếu không làm chủ công nghệ để các nhà thầu nước ngoài làm giá thì không bao giờ đất nước có đủ sức mạnh kinh tế để phát triển hệ thống đường sắt cao tốc, đường sắt tàu điện ngầm', đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam nêu ý kiến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị phát triển ngành cơ khí. (ảnh N.B)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị phát triển ngành cơ khí. (ảnh N.B)

Chưa gắn dự án với phát triển ngành cơ khí

Sáng 24/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam đã khai mạc.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc phát triển ngành cơ khí tạo ra sự tự chủ trong các ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng phải nhìn nhận một cách thực tế rằng ngành cơ khí nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm và còn nhiều hạn chế. Năng lực của ngành cơ khí nước ta còn thấp. Còn thiếu nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn, mang tầm cỡ quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt ngành cơ khí.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh N.B)

Đề cập đến những khó khăn của ngành cơ khí, ông Nguyễn Chí Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAM) cho biết, các doanh nghiệp phải chịu vốn vay với lãi suất cao và không ổn định. Đặc biệt là sự cạnh tranh từ Trung Quốc rất lớn do họ có những chính sách kiên định, lâu dài để hỗ trợ ngành cơ khí, đặc biệt là cơ khí xuất khẩu.

Trong khi đó Việt Nam chưa gắn kết sự phát triển các chương trình kinh tế, xã hội, các dự án lớn với phát triển ngành cơ khí. Kết quả là các dự án phải nhập máy móc thiết bị với giá cao, còn doanh nghiệp cơ khí thì không có thị trường để phát triển.

Lệ thuộc công nghệ dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ

Dẫn ví dụ, dự án phát triển đường sắt cao tốc và đướng sắt đô thị, ông Sáng bày tỏ sự băn khoăn khi không thấy đề cập đến chương trình nội địa hóa, mà mặc nhiên mua của nước ngoài.

“Như vậy sẽ phải chịu giá rất cao mà doanh nghiệp cơ khí trong nước lại không có cơ hội. Nếu có chủ trương nội địa hóa, ta sẽ nội địa hóa đến 60% và quan trọng là khi trong nước làm chủ việc quản lý dự án, chế tạo thiết bị thì giá thành sẽ giảm rất nhiều”, ông Sáng nêu ý kiến.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện nhưng mãi chưa đưa vào sử dụng

Một ví dụ khác cũng được ông Sáng nêu ra là chương trình nội địa hóa thiết bị nhiệt điện, dù Thủ tướng đã có quyết định nhưng các chủ đầu tư lại không thực hiện nên doanh nghiệp trong nước bị loại ra khỏi chương trình.

Trong khi đó cũng vì lệ thuộc vào công nghệ thiết kế, chế tạo của nước ngoài nên nảy sinh nhiều vấn đề. Đơn cử như dự án Thép Thái Nguyên bị tăng giá, chậm tiến độ, thiệt hại hàng trăm triệu USD.

Theo ông Sáng, thị trường cho ngành cơ khí Việt Nam giai đoạn 2019- 2030 vào khoảng 310 tỷ USD, trong đó riêng thiết bị và vật tư cho xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc khoảng 20 tỷ USD; hệ thống tàu điện ngầm khoảng 10 tỷ USD.

Từ đó, ông Sáng cho rằng, nếu làm chủ về công nghệ giá thành thì chi phí đầu tư sẽ rẻ hơn rất nhiều so với thuê nhà thầu nước ngoài. “Nếu không làm chủ công nghệ để các nhà thầu nước ngoài làm giá thì không bao giờ đất nước có đủ sức mạnh kinh tế để phát triển hệ thống đường sắt cao tốc, đường sắt tàu điện ngầm”, ông Sáng nêu ý kiến.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/doanh-nghiep-co-khi-trong-nuoc-lo-bi-loai-khoi-cuoc-choi-lam-duong-sat-cao-toc-1467704.tpo