Doanh nghiệp chưa 'mặn mà' với thanh toán điện tử vì chi phí cao

Theo các doanh nghiệp, thanh toán điện tử mất phí cao, trong khi thanh toán tiền mặt không mất phí, do đó, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với hình thức thanh toán mới này.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TL

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TL

Hạ tầng thanh toán còn kém hiệu quả

Chiều ngày 26/8, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg- Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp” tại Hà Nội.

Tại diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, sau gần 4 năm triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển tích cực; cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được coi trọng và tăng cường…

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, mặc dù có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao. Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt. Ở góc độ doanh nghiệp, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam dù đã trở thành nhu cầu tất yếu, nhưng cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Theo Chủ tịch VCCI, ở đây có cả vấn đề nhận thức và ý thức. Trong đó, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng.

Đặc biệt, về môi trường pháp lý, Chủ tịch VCCI nhận định, dù đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, nhưng vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành. Điều này khiến thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi, nhất là khối doanh nghiệp.

Cụ thể là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo...

Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho rằng, hiện có một số vấn đề khó khăn mà trước hết liên quan chi phí. Thanh toán điện tử thì mất phí cao, trong khi thanh toán tiền mặt không mất phí.

Bên cạnh đó, với trường hợp thanh toán bằng ví điện tử lại có các QR Code khác nhau cho hệ thống các ví điện tử khác nhau mà không thể thanh toán chéo. Do đó, ông Sơn kiến nghị dùng QR Code chung cho các mã thanh toán ở các ví điện tử khác nhau.

Theo ông Sơn, nên nghiên cứu hệ thống thanh toán tạm giữ để người mua và bán tin tưởng nhau hơn, tạo tin cậy cho mua sắm online, qua đó, giúp hoạt động mua sắm điện tử phát triển hơn.

Xây dựng hệ sinh thái giữa công ty tài chính và ngân hàng

Tại phiên thảo luận, ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết, 5 năm trở lại đây thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam phát triển khá nhanh, tuy nhiên hiện còn nhiều việc phải làm từ hạ tầng kỹ thuật, quản lý, hệ thống an toàn, quan trọng nhất vẫn là thói quen của người tiêu dùng.

Ông Huy cho biết, về phía ngân hàng cũng muốn giảm phí viễn thông, bởi giao dịch sẽ có tin nhắn mà hiện nay giá cước khá cao, phía ngân hàng đã có văn bản đề xuất giảm phí viễn thông.

Cùng theo ông Huy, cần xây dựng hệ sinh thái giữa các công ty tài chính và ngân hàng. Trên thực tế, về mặt công nghệ, các ngân hàng thường đi chậm hơn so với các công ty Fintech – bởi họ làm chủ và đi đầu về công nghệ. Về lâu dài, giữa ngân hàng và các công ty Fintech phải cộng sinh với nhau, nhưng hiện tại có vẻ như lại đang là đối thủ của nhau. Lý do, việc dùng một đơn vị Fintech đứng giữa để tạo hệ sinh thái thì doanh nghiệp vẫn đang dè dặt, chưa dám mạnh dạn sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. “Nhưng về lâu dài, tôi cho rằng có thể đây sẽ là xu hướng tất yếu” – ông Huy nói.

Giám đốc Ngân hàng số BIDV Nguyễn Chiến Thắng cho biết, xây dựng hệ sinh thái để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là rất quan trọng.

Ngân hàng không thể đủ năng lực, linh hoạt hay chú trọng vào một ngành hẹp như Fintech. Một ngân hàng truyền thống không thể ra quyết định nhanh như Fintech và được cũng không đủ nguồn lực để tập trung trong một ngành hẹp nào đó.

“Chiến lược hợp tác giúp ngân hàng mở rộng hệ sinh thái của mình, kể cả vấn đề phát triển sản phẩm, dịch vụ, tạo ra mạng lưới để tăng dịch vụ cho khách hàng.Tuy nhiên, chúng ta cần có những hệ thống chuyển mạch QR để một ngân hàng hay đơn vị thanh toán có thể thanh toán trên bất kì QR nào trên thị trường”- ông Thắng nêu quan điểm./.

Bùi Tư

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-08-26/doanh-nghiep-chua-man-ma-voi-thanh-toan-dien-tu-vi-chi-phi-cao-91514.aspx