Doanh nghiệp chủ động thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tốt. Tuy nhiên, do diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, dẫn đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh chủ động tìm hiểu thị trường, lựa chọn các giải pháp thích ứng phù hợp để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai (TP Thanh Hóa) vận chuyển hàng lên container.

Hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai, TP Thanh Hóa, chịu tác động khá toàn diện do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong lĩnh vực xuất khẩu, nếu như trước kia hàng tháng đơn vị xuất khẩu khoảng 15 container ớt sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường EU, thì từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay, toàn bộ hoạt động xuất khẩu bị đóng băng do các phương pháp kiểm soát dịch. Trước tình hình đó, đơn vị đã chủ động tìm kiếm, thuê các kho hàng đông lạnh để dự trữ, bảo quản hàng, đồng thời tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu mới. Do vậy, cuối tháng 5-2020, những container nông sản đầu tiên đã được tái xuất.

Chị Nguyễn Thị Mai, giám đốc công ty, chia sẻ: Không chỉ khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu của đơn vị là các loại thực phẩm cao cấp phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn cũng chịu tác động lớn do lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng, cầu tiêu dùng thấp. Bên cạnh đó, giá nguồn hàng nhập khẩu không ổn định, chi phí vận chuyển tăng. Công ty đã phối hợp với các siêu thị, đối tác trong nước, nhà hàng để cùng tiêu thụ sản phẩm, tránh tồn kho. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách giá hợp lý để phân khúc khách hàng trung bình có thể tiếp cận được với nguồn thực phẩm ở phân khúc cao. Với các giải pháp đó, công ty đã dần khắc phục khó khăn để ổn định hoạt động kinh doanh. Đồng thời, giữ chân được người lao động đã gắn bó với đơn vị, chờ cơ hội thị trường thuận lợi trở lại.

Với Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa, giải pháp được đơn vị áp dụng là chủ động dự trữ nguyên vật liệu, thay đổi phương án tổ chức sản xuất, cơ cấu, sắp xếp lại các lĩnh vực hoạt động phù hợp với bối cảnh, tăng cường trao đổi, liên kết với đối tác cùng lĩnh vực... Nhờ vậy, trong khi không ít DN phải sản xuất cầm chừng, lao động làm việc luân phiên, thậm chí phải cắt giảm lao động, thì công ty vẫn đủ năng lực tiếp cận dự án mới, bảo đảm đủ việc làm, thu nhập cho người lao động, nhiều khi còn phải tăng ca sản xuất để kịp đáp ứng tiến độ cho các đơn hàng đã ký kết.

Với các DN may mặc, giầy da, nhiều công ty, nhà máy cũng đã tranh thủ tìm kiếm các thị trường mới, chủ động chuyển đổi lĩnh vực sản xuất sang hàng nội địa và các loại hàng hóa dễ tiêu thụ như khẩu trang. Đại diện Hiệp hội Dệt may cho biết: Hiện nay, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã bắt đầu được khôi phục trở lại. Do đó, nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu cho ngành may mặc trong thời gian tới sẽ có diễn biến tích cực. Tuy nhiên, các thị trường xuất khẩu may mặc lớn của Việt Nam như Mỹ, EU trong thời gian gần đây liên tục có thông tin về giãn, lùi tiến độ giao hàng, nên các DN sẽ phải nỗ lực thêm một thời gian nữa chờ tình hình khởi sắc hơn.

Được biết, Bộ Công Thương đang chỉ đạo Vụ Thị trường ngoài nước, Vụ Kế hoạch cập nhật diễn biến tại các nền kinh tế đối tác về tình hình dịch bệnh, chính sách tác động tới thương mại, chuỗi cung ứng và tiếp tục thông báo, hướng dẫn các DN. Trong tình huống bất khả kháng này, các DN cần nhanh nhạy thích ứng về phương pháp quản trị điều hành trước những biến động của thị trường kinh doanh.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-chu-dong-thich-ung-trong-boi-canh-dich-benh/120230.htm