Doanh nghiệp chủ động, tận dụng cơ hội thời 4.0 để bảo vệ thương hiệu

Tại 'Diễn đàn chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp (DN) trong thời kỳ 4.0' tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 27-11, ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh, nhận định: 'Trước đây, chữ ký số chúng ta tẩy chay nhưng nay nó an toàn hơn chữ ký thật; con dấu số giờ đây an toàn hơn con dấu thật; phần mềm quản lý online hiện tốt hơn quản lý sổ sách thông thường... Do vậy, DN phải chủ động áp dụng công nghệ 4.0 để bảo vệ thương hiệu, phòng chống hàng nhái, giả...'.

Đau đầu từ chuyện chiếc bugi

Nói về vấn nạn hàng giả tại Việt Nam, ông Trần Thanh Kha – Trưởng phòng cấp cao Công ty NGK SPARK PLUS Việt Nam cho biết: Công ty tại Nhật Bản, vào thị trường Việt Nam năm 2015. Tại Việt Nam, sản phẩm bugi của công ty hiện chiếm 70% thị phần, nhưng hàng giả chiếm đến 20%.

Mặc dù, bugi giả gây nguy hại nghiêm trọng, ảnh hưởng các linh kiện khác trong động cơ, ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn giao thông cũng như việc bảo vệ môi trường, thế nhưng nhiều người kinh doanh biết là hàng giả, nhưng vẫn cố tình lờ đi vì lợi nhuận, và số vụ vi phạm ngày càng tăng.

Như năm 2015, công ty chỉ phát hiện 1 vụ, nhưng đến năm 2017 phát hiện đến 5 vụ, và 2018 dự tính khoảng 9 vụ... Bugi giả trên thị trường có 3 loại (loại 1,2,3) với mức giá chênh lệch từ 20-70% (tùy loại) so với hàng chính hãng.

Các diễn giả tại “Diễn đàn chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu DN trong thời kỳ 4.0”.

Kể thêm về những khó khăn mà công ty đang gặp phải, ông Trần Thanh Kha cho biết: “Có những vụ việc, khi người của công ty tiền trạm trước và phát hiện có sản xuất sản phẩm bugi giả, nhưng khi phối hợp với cơ quan chức năng để đột kích vào tận ổ thì cơ sở sản xuất đã... biến mất. Điều đó cho thấy, hoạt động sản xuất hàng nhái, hàng giả của các đối tượng ngày càng tinh vi, buộc DN phải có nhiều hoạt động hơn nữa để tự bảo vệ mình”.

Theo ông Kha, lực lượng thực thi pháp luật cũng không thể phân biệt được bugi thật – bugi giả nên khó khăn trong việc giám định. Khách hàng cũng khó khăn tìm mua sản phẩm thật. Chính vì vậy, công ty có tài liệu để hướng dẫn phân biệt sản phẩm thật – sản phẩm giả.

“Với những gì chúng ta đang làm chỉ là chữa cháy chứ không phải phòng cháy, trong khi phòng cháy rất quan trọng. Bởi thực tế, số lượng hàng giả ngày càng lớn chủ yếu qua biên giới. Hơn 90% sản phẩm của chúng tôi phát hiện giả là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ai cũng biết Trung Quốc là công xưởng sản xuất hàng giả của thế giới, nếu ngăn chặn được hàng nhập lậu qua biên giới là ngăn chặn được hàng giả”, ông Kha nói.

Trước vấn nạn hàng giả trên, ông Kha đề xuất, cần phạt nặng hơn đối với những người sản xuất, kinh doanh hàng nhái, giả. Đồng thời, có các chính sách bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để họ yên tâm đầu tư tại Việt Nam.

Không tận dụng cơ hội dễ bị loại khỏi “cuộc chơi”

Trong thời đại công nghiệp 4.0, với sự hỗ trợ của Internet thì việc kinh doanh tại Việt Nam cũng đã thay đổi. NTD không chỉ tìm thấy sản phẩm của họ ở các cửa hàng, chợ truyền thống hay các Trung tâm thương mại (TTTM) mà nhiều cửa hàng trực tuyến, website, thương mại điện tử (TMĐT) ra đời cũng như nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram... đã và đang trở thành nơi mua bán, giao dịch, kinh doanh online của các DN và NTD.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, trong 5 năm tới, nếu DN nào không ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT thì DN sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”. “TMĐT là xu hướng tất yếu giúp cho DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ rút ngắn được khoảng cách, tiết kiệm được chi phí lưu kho bãi, chi phí về mặt quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh”, bà Huyền nói.

Theo bà Huyền, TMĐT đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân 25% năm. Tính đến năm 2017 doanh thu từ TMĐT bán lẻ đạt 6,2 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán trực tuyến vẫn còn thấp, chỉ 3%. Tại sao vậy? – theo bà Huyền, bản chất vấn đề đó là do NTD chưa có niềm tin vào TMĐT. Hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng rất lớn đến NTD.

Ví dụ, hành vi làm giả nhãn hiệu của các thương hiệu lớn như Addidas, đồng hồ Rolex (đồng hồ Rolex hàng thật giá hàng trăm triệu, nhưng bán TMĐT chỉ vài triệu đồng). Bên cạnh đó là giả về thông tin như sản phẩm mì chính bán trên một số website TMĐT là hàng nhái và không có thông tin cụ thể, giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm chính hãng. Ngoài ra, sản phẩm còn nhái kiểu dáng công nghiệp thậm chí tên miền na ná...

“Năm 2017, chúng tôi thanh kiểm tra phát hiện hơn 300 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT, xử phạt vi phạm hành chính 300 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực xây dựng hệ thống cảnh báo để NTD, DN biết có hiện tượng, xu hướng như thế.

Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề vẫn là cơ sở dữ liệu và sự hợp tác giữa các DN và cơ quan chức năng có ý thức bảo vệ thương hiệu của mình, chống hàng nhái, giả, bảo vệ quyền lợi NTD. Chúng tôi cũng đang tích cực xây dựng hệ cơ sở dữ liệu, đó là bản đồ số hóa các website, sàn TMĐT đã đăng ký với Bộ Công Thương thông qua cổng dữ liệu...”, bà Huyền cho biết.

Ông Thân Đức Công, Phụ trách Cục Nghiệp vụ Tổng Cục QLTT khẳng định, các đối tượng sản xuất hàng giả, gian lận thương mại, ngày càng manh động, hoạt động lén lút, sản xuất ban đêm. Các cơ quan chuyên trách muốn tiếp cận xử lý không dễ...

Từ năm 2017 đến tháng 9-2018, Tổng Cục QLTT đã xử lý trên 30.000 vụ, xử phạt vi phạm hành chính trên 100 tỷ đồng, giá trị tịch thu gần 1.000 tỷ đồng. Xác định công cuộc chống hàng giả rất phức tạp, ông Công đã đưa ra các giải pháp: QLTT phải nắm rõ thông tin, địa bàn, xác định phương án xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề nhằm để sớm phát hiện các vụ vi phạm.

Chủ động phối hợp với nhiều lực lượng truyền thông, Hiệp hội, DN, cơ quan chuyên trách, NTD... Phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cần có biện pháp chế tài mạnh hơn để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả rất tinh vi nên phải tăng cường tập huấn, đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ QLTT. Bên cạnh đó, QLTT cũng rất mong sự đồng hành của DN trong thời gian tới...

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/doanh-nghiep-chu-dong-tan-dung-co-hoi-thoi-4-0-de-bao-ve-thuong-hieu-522251/