Doanh nghiệp chủ động 'né' chiến tranh thương mại

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có những diễn biến khó lường và đang tác động đến dòng chảy thương mại hàng hóa toàn cầu. Chính vì thế, các DN xuất nhập khẩu Việt Nam cần có những đánh giá, phân tích để có thể tận dụng những cơ hội cũng như tránh được những hệ lụy từ những biến động này.

DN nên chủ động tìm các phương án để ứng phó với chiến tranh thương mại. Ảnh: H.Dịu

DN nên chủ động tìm các phương án để ứng phó với chiến tranh thương mại. Ảnh: H.Dịu

Chú trọng nguồn gốc, xuất xứ

Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể gây ra nhiều tác động tới kinh tế Việt Nam, kể cả mặt tích cực và tiêu cực. Cái được là tạo thêm cơ hội cho hàng Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Mỹ, khi hàng Trung Quốc bị áp thuế cao tại thị trường này. Có DN đã dự báo doanh số bán hàng đi Mỹ ước tính tăng đến 10%, bởi DN đã nhận được khá nhiều đơn hàng từ những khách hàng Mỹ trước đây từng mua hàng của các nhà sản xuất Trung Quốc. Nhưng cái “mất” có thể cũng không nhỏ, như việc hàng Trung Quốc không xuất khẩu đi thị trường Mỹ sẽ tràn sang Việt Nam, gia tăng nguy cơ nhập siêu từ Trung Quốc. Hơn nữa, gia tăng cơ hội cho hàng Việt Nam vào Mỹ đồng nghĩa với khả năng gia tăng nguy cơ đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, bởi Việt Nam nằm sát Trung Quốc nên sẽ dễ dẫn tới những nghi ngờ về việc giả mạo nguồn gốc xuất xứ nhằm tránh thuế khi xuất khẩu sang Mỹ…

Chính vì thế, các DN phải chủ động lên các phương án kinh doanh để “né” cuộc chiến thương mại này, tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất.

Theo đại diện Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu Thiên Minh (DN chuyên cung cấp dịch vụ vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa), Mỹ là thị trường lớn nên có nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, để tránh vướng vào những rắc rối khi thị trường Mỹ trở nên cẩn trọng hơn, DN phải đảm bảo tuân thủ những quy tắc, quy định không chỉ về chất lượng, xuất xứ hàng hóa mà còn cả các quy định liên quan tới lao động, tiêu chuẩn vệ sinh, nhà xưởng…

Đồng quan điểm, đại diện một DN chuyên về sản xuất thép cho rằng, DN đang nỗ lực để tìm ra hướng nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, thông qua việc ứng dụng công nghệ cũng như đưa vào sản xuất dòng sản phẩm mới. Đặc biệt, vị này còn nhấn mạnh tới việc các DN phải luôn minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, sản phẩm… để tăng thêm sức mạnh vượt qua những rủi ro trong bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động, và tránh tình trạng “thua trên sân nhà”.

Tận dụng những "dự trữ"

Mặc dù tăng tính chủ động của DN để ứng phó là cần thiết, nhưng nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung càng leo thang thì “đường tránh” nào với mỗi DN là điều các doanh nhân đều phải suy nghĩ. Điều đáng mừng là hiện các DN đều ý thức được việc đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường để xuất nhập khẩu. Theo đó, nhiều DN cho hay, nguồn nguyên liệu đã được các DN chủ động lấy từ các cơ sở, nhà máy trong nước hoặc nhập khẩu từ các thị trường quốc tế khác ngoài Trung Quốc như: Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan… Bên cạnh đó, các DN cũng chú trọng tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới và tiềm năng ở khu vực châu Phi, Nam Mỹ…

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, các DN nên theo dõi tình hình để kịp thời ứng biến với từng biến động; tìm kiểm cơ hội và nên chú trọng vào thị trường ngách. Ngoài ra, bà Trang cũng cho rằng DN nên tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để tăng thêm cơ hội cho hoạt động thương mại. Tiêu biểu như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gữa các nước trong khối ASEAN với 6 đối tác, trong đó có Trung Quốc. Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, RCEP có thể là lợi ích “dự trữ” cho DN trước nguy cơ bảo hộ ở các thị trường xuất khẩu lớn khác và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Những chia sẻ trên cho thấy, không chỉ DN mà cả các cơ quan quản lý đều đang có kế hoạch chuẩn bị cho mọi kịch bản của cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, các DN kỳ vọng có thêm những hỗ trợ từ cơ quản lý để có những thông tin cảnh báo sớm về những hệ lụy có thể có. Ngoài ra, có chuyên gia còn cho rằng, các cơ quan quản lý nên chủ động hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn và xây dựng các thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao; áp dụng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe hơn và khuyến khích phát triển các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao để cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/doanh-nghiep-chu-dong-ne-chien-tranh-thuong-mai-105787-105787.html