Doanh nghiệp chớp cơ hội gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu

Dịch Covid-19 đã gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất trên quy mô toàn cầu nhưng cũng đang đem lại cơ hội thị trường khi hình thành chuỗi giá trị liên kết mới. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chớp thời cơ trở thành các mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Khi dịch Covid-19 ập đến, rất nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, các DN phụ thuộc vào xuất khẩu bị sụt giảm về doanh thu, tạm ngừng hoạt động hoặc cắt giảm lao động. Song, cũng phải nhìn nhận, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới. Theo đó, một bộ phận DN đã chủ động vươn lên nắm bắt cơ hội để tiếp tục phát triển trong giai đoạn khủng hoảng.

 Vải thiều Việt Nam mùa vụ 2020 xuất hiện tại các siêu thị Nhật Bản. Ảnh: LÊ GIANG

Vải thiều Việt Nam mùa vụ 2020 xuất hiện tại các siêu thị Nhật Bản. Ảnh: LÊ GIANG

Điển hình như câu chuyện của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Từ ý tưởng "giải cứu" thanh long, dưa hấu bị ùn ứ vì không xuất khẩu được do dịch Covid-19, với thế mạnh là công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ gạo (bún, miến, phở, bánh tráng...), DN này đã nghiên cứu sản xuất bún dưa hấu, bánh tráng thanh long, để rồi xuất khẩu với giá trị cao. Hiện sản phẩm đã được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và đang tiếp tục “tấn công” các thị trường khác. Nhấn mạnh Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp và nhiều rau quả có giá trị vẫn còn phải trông chờ "giải cứu", ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh cho rằng, việc sáng tạo trong chế biến nông sản là rất cần thiết. Điều này vừa tạo đầu ra cho nông sản, nhưng quan trọng hơn là có những sản phẩm độc đáo, có chất lượng, đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công ty Cổ phần Tập đoàn VISIMEX-đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu hàng nông sản như cà phê, điều, hồ tiêu... tỏ rõ không hề "chậm chân" trong việc tìm cách thích nghi với dịch bệnh. Ông Thân Văn Hùng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn VISIMEX cho hay, công ty vẫn giữ được mức tăng trưởng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước. Đó là nhờ có việc chủ động phát triển vùng nguyên liệu nông sản hữu cơ, cùng với việc chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. “Việc chỉ tập trung xuất khẩu nguyên liệu thô sẽ phụ thuộc vào sự "nóng lạnh" của thị trường thế giới. Do đó, sản phẩm thành phẩm qua chế biến sẽ giúp DN phát triển bền vững hơn, giá trị cao hơn”, ông Thân Văn Hùng cho biết.

Thực tế cho thấy, ngoài sự năng động của DN Việt Nam, những cơ hội phục hồi của nền kinh tế Việt Nam cũng đang tạo ra những chuỗi liên kết mới cho DN. Hiện nay, một làn sóng dịch chuyển đầu tư quốc tế đang có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ vào Việt Nam. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu... sẽ tạo lợi thế lớn cho các DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Nhiều cơ hội lớn đã mở ra cho DN Việt Nam. Nhưng trên thực tế, việc DN Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN, tập đoàn đa quốc gia là bài toán không dễ giải trong ngày một ngày hai. Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các DN Việt Nam còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do các DN FDI, DN lớn thường đã có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo và có chuỗi cung ứng sẵn sàng hoặc tự phát triển chuỗi khép kín. Cùng với đó, đa số các DN Việt Nam có quy mô nhỏ, hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất để có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng lớn trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, để giải bài toán vươn lên tham gia vào chuỗi giá trị của các DN, các ý kiến cho rằng, nỗ lực của DN là yếu tố chính, hỗ trợ của địa phương rất quan trọng, đồng thời, định hướng của Nhà nước mang tính quyết định.

Công ty Cổ phần Công nghệ năng lực Việt (Hà Nội) sản xuất nhiều thiết bị cung cấp cho doanh nghiệp FDI. Ảnh: MINH ĐỨC

Theo ông Thân Văn Hùng, chất lượng sẽ là yếu tố quyết định đến thành công khi đưa sản phẩm nông sản Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đòi hỏi DN phải tự nâng cấp nhiều về cơ sở vật chất, năng lực sản xuất, quy trình kiểm soát chất lượng, môi trường, an toàn lao động, trách nhiệm xã hội. Đối với Nhà nước, phải tạo ra những hỗ trợ sát với nhu cầu của DN, cụ thể là về vốn, tín dụng, xúc tiến thương mại.

Bổ sung vào quan điểm này, ông Nguyễn Đắc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Trung (DN sản xuất thực phẩm ăn liền, chế biến nông sản xuất khẩu) nhìn nhận, đa phần DN trong nước là DN nhỏ và vừa, DN nên kết nối với nhau để sản xuất mới nâng được sức cạnh tranh, từ đó tham gia được vào các chuỗi toàn cầu. Điển hình như việc để có nguyên liệu cho sản xuất quy mô lớn, ổn định, DN phải tạo mối liên kết với hàng nghìn hộ nông dân, xây dựng chuỗi liên kết cho chính DN để phát triển bền vững. Còn theo ông Lê Cảnh Dương, Tổng giám đốc Công ty VPMS, hiện tiêu chuẩn lựa chọn đối tác của các DN, tập đoàn đa quốc gia rất rõ ràng, chỉ cần DN đáp ứng được, tự tin chứng minh cho nhà mua hàng thấy được khả năng của mình thì có thể tham gia vào chuỗi. Do đó, ngoài việc chủ động đầu tư, nâng cao chất lượng, DN cần bình tĩnh để xử lý từng yêu cầu của bên mua hàng thì mới có thể thành công.

Đứng từ góc độ tập đoàn lớn, luôn có nhu cầu tìm các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, bà Đào Thị Thu Huyền, Quản lý cấp cao Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, Canon có 147 nhà cung cấp tại Việt Nam, nhưng trong đó chỉ có 20 nhà cung cấp là DN Việt Nam. Đáng chú ý, Công ty TNHH Canon Việt Nam đang có 59 linh kiện cần tìm nhà cung cấp nội địa và thông tin này đã được đăng tải trên website của công ty khá lâu nhưng con số DN Việt Nam tham gia vào chuỗi của Canon cũng chưa tăng lên. Do đó, bà Huyền gợi ý, DN cần đầu tư vào khoa học công nghệ và hướng vào các sản phẩm mà các DN khác chưa làm. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược Tổ hợp Samsung Việt Nam gợi ý, Samsung khuyến khích các đối tác tập trung vào nghiên cứu, tối ưu hóa sản phẩm. Cùng một sản phẩm, năm nay, Samsung mua với giá 1 đồng nhưng năm sau có thể chỉ mua với giá 0,8 đồng. Chính vì vậy, DN luôn phải có sự thay đổi, đầu tư.

Về phía hỗ trợ của cơ quan quản lý, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thúc đẩy DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là bài toán mà Việt Nam luôn trăn trở. Chính vì vậy, Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, hay Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ cũng đang tạo động lực hỗ trợ DN Việt tham gia vào chuỗi liên kết. Cùng với đó, trước làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt thu hút FDI. “Chính phủ có chính sách khuyến khích thu hút nhưng cũng yêu cầu các DN FDI cần xây dựng mối quan hệ tương hỗ với các thành phần DN khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển. Với các dự án có tính lan tỏa, mang lại tác động hiệu quả cao cho nền kinh tế thì DN FDI sẽ được dành ưu đãi cao hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nghiep-chop-co-hoi-gia-nhap-chuoi-gia-tri-toan-cau-631462