Doanh nghiệp chi bao nhiêu cho marketing là hợp lý?

Ông Trần Quốc Kỳ cho hay ở mỗi ngành nghề, chi phí dành cho marketing sẽ khác nhau, phụ thuộc nhiều yếu tố.

Ông Trần Quốc Kỳ - CEO GIGAN JSC.

Ông Trần Quốc Kỳ - CEO GIGAN JSC.

Trong suốt hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực Digital Marketing, ông Trần Quốc Kỳ - CEO GIGAN JSC – Agency cung cấp giải pháp D2C – Digital Marketing (Direct to Customers) đầu tiên tại Việt Nam, cho biết đã từng tiếp xúc và tư vấn marketing với con số trên 1.000 doanh nghiệp, có những doanh nghiệp siêu lớn và cả những doanh nghiệp mới vừa thành lập.

Theo ông Kỳ, tại các doanh nghiệp, vấn đề "chi bao nhiêu tiền cho marketing là phù hợp?” luôn được những người làm việc ở những vị trí như quản lý, nhân viên bộ phận marketing, production, kế toán, tài chính, ở vị trí level C đặt ra.

Dựa trên kinh nghiệm làm việc cùng những số liệu đã thu thập, ông Kỳ cho hay ở mỗi ngành nghề, chi phí dành cho marketing sẽ khác nhau, phụ thuộc nhiều yếu tố.

Theo ông, ở lĩnh vực bán lẻ (Retail), hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), mức chi phí dành cho marketing chiếm không dưới 2%/ tổng doanh số dự kiến.

“Chúng ta không nên xem thường con số 2% này bởi đây là 2% của doanh số mục tiêu lên đến hàng chục nghìn tỷ mà các ông lớn kỳ vọng hàng năm. Mức 2% này cũng đủ để có thể nhấn chìm nhiều nhà quảng cáo khác trên môi trường online”, ông nói.

Đối với ngành làm đẹp, theo ông Kỳ, do biên lợi nhuận của ngành này tương đối cao nên nhiều người sẵn sàng chi ra lên đến trên 35% cho chi phí chạy Ads, chưa bao gồm các chương trình giảm giá.

Về lĩnh vực giáo dục, E-learning, theo tính toán của CEO GIGAN JSC, nhiều người luôn sẵn sàng chi trả hơn 30%/giá bán cho chi phí marketing để đầu tư sản phẩm 1 lần bán trọn đời. Mục tiêu của việc làm này là bán sản phẩm cho khách hàng đầu tiên và kỳ vọng “up-sale” (kỹ thuật bán hàng nhằm thuyết phục khách hàng mua một sản phẩm đi kèm, phiên bản đắt hơn, nâng cấp hoặc cao cấp của mặt hàng đã chọn hoặc các tiện ích bổ sung - PV) khi khách hàng quay lại lần thứ 2.

Ở lĩnh vực E-commerce, do vòng đời của 1 khách hàng mua hàng trên sàn E-commerce có thể tái đi tái lại nhiều lần trong năm, nên theo ông Kỳ, các sàn E-commerce luôn muốn có được nhiều khách hàng bằng cách sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho quảng cáo, trợ giá để khách hàng mua hàng lần đầu và tái mua hàng nhiều lần trong tương lai.

Theo tính toán của ông Kỳ, với 1 khách hàng lần đầu tiên mua hàng trên sàn E-commerce, mức chi phí mà doanh nghiệp dành cho quảng cáo có thể cao gấp 4-5 lần so với lợi nhuận thu về từ dịch vụ trên chính đơn hàng đầu tiên đó.

Đối với các lĩnh vực như công nghệ, phần mềm, CRM, hosting, domain, nhận định đây là lĩnh vực mà hoạt động thu phí dựa trên subscription (thu phí hàng tháng, hàng năm), ông Kỳ cho hay các doanh nghiệp ở những lĩnh vực này sẵn sàng chi ra 100% chi phí/doanh thu cao hơn khi thực hiện marketing cho khách hàng đăng ký lần đầu. Lợi nhuận của các doanh nghiệp này sẽ được tính từ lần thu phí thứ 2 trở đi.

Nhận định chung, ông Kỳ cho hay doanh nghiệp cần phân chia hoạt động chi phí marketing thành 3 phần chính. Cụ thể, đối với các hoạt động đầu tư xây dựng hình ảnh thương hiệu, nội dung, nhân sự marketing, cần kiểm soát trong phạm vi so với ngân sách marketing tổng hàng năm không quá 10%.

Đối với hoạt động truyền thông cho thương hiệu hoặc/và hoạt động triển khai tạo ra chuyển đổi, chi phí cho những hoạt động này có thể chiếm lên đến 70% tổng ngân sách của năm.

"Phần ngân sách 20% còn lại sẽ dùng vào hoạt động chăm sóc khách hàng như duy trì nội dung, tiếp thị lại, email, sms để tái chăm sóc khách hàng cũ và các hoạt động phát sinh khác như công cụ, công nghệ mới giúp ích cho hoạt động marketing của doanh nghiệp", ông Kỳ cho hay.

Hà Thu

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/doanh-nghiep-chi-bao-nhieu-cho-marketing-la-hop-ly-20180504224244985.htm