Doanh nghiệp 'chê' sinh viên

Nhiều khiếm khuyết của sinh viên mới ra trường đã được doanh nghiệp thẳng thắn chỉ ra trước đại diện các trường ĐH.

Doanh nghiệp phát biểu trong buổi tọa đàm - Ảnh: Hà Ánh

Nội dung này đã được nêu ra trong buổi tọa đàm kết nối doanh nghiệp với nhà trường trong đào tạo và tuyển dụng nhân sự do Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức sáng 15.9.

Học bằng tiếng Anh nhưng giao tiếp không được

Phát biểu trong buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Phó giám đốc Hành chính nhân sự Công ty TNHH TMSX Menon, cho biết: “Khi phỏng vấn tôi thường để sinh viên tự giới thiệu bản thân, nhưng nhiều sinh viên ngoài giới thiệu tên, ngành và trường học thì không biết nói gì thêm. Nếu mạnh dạn tự tin để trình bày thêm được những trải nghiệm bản thân qua các hoạt động ngoài giờ học thì sinh viên sẽ dễ ghi điểm hơn với nhà tuyển dụng. Ngay cả sinh viên chương trình tiên tiến dù được học bằng tiếng Anh nhưng khi ra trường vẫn không đủ tự tin để giao tiếp bằng tiếng Anh".

Trước ý kiến này, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) thừa nhận ngoại ngữ đang là kỹ năng yếu nhất của sinh viên và đây cũng là thách thức lớn với các trường. Sinh viên chương trình tiên tiến tốt chuyên môn nhưng tiếng Anh chưa giỏi là đúng cũng là phản ánh của nhiều doanh nghiệp khác. “Chúng tôi rất đau đầu về chuẩn đầu ra ngoại ngữ, nhiều sinh viên hoàn thành chương trình học nhưng vướng đầu ra ngoại ngữ. Trong khi đó việc đào tạo ngoại ngữ ở bậc phổ thông khác nhau ở từng vùng miền nên đầu vào sinh viên có sự chênh lệch. Nếu chỉ 7 tín chỉ đào tạo ngoại ngữ trong chương trình hiện nay thì không dễ dàng với một sinh viên chưa được học môn này trước đó”, PGS-TS Hùng nói.

Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Công ty Tường Minh, chia sẻ: “Sinh viên có khoảng trống rất lớn từ khi tốt nghiệp và bước ra thị trường lao động. Sinh viên thiếu nhiều, nhưng cái doanh nghiệp đòi hỏi nhiều nhất ở người mới tốt nghiệp là khả năng tự nghiên cứu, tự làm việc, khả năng tư duy sáng tạo, năng động để thích nghi với môi trường. Ví như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sự thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực này khiến một sinh viên chuyên ngành nhìn vào ngôn ngữ của nó mà không hiểu gì. Trong những trường hợp này, doanh nghiệp đòi hỏi sinh viên phải nhanh”.

Đại diện Công ty Bò sữa Việt Nam chia sẻ doanh nghiệp có nhiều khó khăn trong quá trình tuyển dụng. Hàng năm số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành chăn nuôi thú y nhiều nhưng không biết đi đâu hết. Ban đầu sinh viên vào làm việc tại trang trại thì rất năng nổ, nhưng sau một thời gian thì xin nghỉ với lý do chuyển hướng đi bán hàng.

Sinh viên “tự thất nghiệp”

Theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, nguyên nhân tình trạng thất nghiệp đến từ nhiều phía, trong đó phần quan trọng xuất phát từ bản thân người học. Chẳng hạn nhiều sinh viên ra trường nhưng chỉ muốn làm việc ngay tại thành phố mà không chịu đi xa, đòi hỏi mức lương cao hơn đề nghị của nhà tuyển dụng, doanh nghiệp tuyển vị trí này nhưng muốn làm công việc khác… Tất cả những tình huống trên rõ ràng là cách sinh viên “tự thất nghiệp”.

Nói về quá trình đào tạo, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cho biết, trường ĐH luôn nỗ lực để đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Tuy nhiên các trường không thể đào tạo tất cả yêu cầu của doanh nghiệp bởi còn phải tuân theo chương trình khung như quy định của Bộ GD-ĐT. Vì vậy trường chỉ trang bị được kiến thức, kỹ năng cơ bản. Trường mong muốn doanh nghiệp hỗ trợ tiếp nhận sinh viên tham quan, thực tập trực tiếp tại doanh nghiệp trong quá trình đào tạo vì ở doanh nghiệp trang thiết bị máy móc luôn “đi trước” so với trường.

Từng là sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ông Phạm Văn Vinh, Giám đốc kinh doanh và kỹ thuật Công ty NANOVET cho biết bản thân ông phải mất 12 năm để thực sự trưởng thành trong công việc. Từ đó, ông Vinh cho rằng trường cần tăng cường thời gian đi thực tế cho sinh viên để có thể tiếp cận nhanh với công việc và kỹ năng mềm. “Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ kinh phí cho sinh viên trong thời gian thực tập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cam kết mỗi năm sẽ về trường ĐH 2 lần để hỗ trợ đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên”, ông Vinh nói.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng, doanh nghiệp và trường học cần phải bắt tay chặt chẽ hơn trong thực hiện chứ không chỉ ký kết. Đặc biệt để tránh tình trạng “đào tạo lại” thì ngay trong quá trình này, doanh nghiệp cần tham gia thêm vào đào tạo bổ sung để giúp sinh viên hoàn thiện hơn.

Hà Ánh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/doanh-nghiep-che-sinh-vien-876017.html