Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ “đói” thông tin

Ngoài các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp... các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ vẫn rất cần hỗ trợ trong việc tìm kiếm thông tin tiếp cận thị trường.

Đại diện các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia hội thảo tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp gỗ.

Nhiều rủi ro

Với ngành chế biến gỗ, tính đến cuối năm 2015, cả nước có khoảng 3.900 doanh nghiệp (DN), 340 làng nghề. Đây là một trong sáu ngành kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước, kim ngạch tăng 6 lần trong 10 năm (2004-2014). Hơn nữa, đây là ngành kinh tế đã hoàn thành mục tiêu đặt ra trước 5 năm, tức đã đạt kim ngạch gần 7 tỷ USD năm 2015, đây là mức kim ngạch được kỳ vọng sẽ đạt được trong năm 2020.

Tuy nhiên, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ hiện nay vẫn đang gặp phải những rủi ro, thách thức và nếu như không có sự hỗ trợ kịp thời từ phía nhà nước thì ngành kinh tế mũi nhọn này sẽ bị thụt lùi. Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia về thương mại gỗ thuộc Tổ chức Forest Trends cho hay, ngành chế biến gỗ trong nước đang gặp phải nhiều rủi ro như: Rủi ro liên quan tới khả năng đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu; rủi ro xuất phát từ việc thiếu hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng; rủi ro trong bảo đảm tuân thủ pháp luật về lao động; rủi ro do thiếu hiểu biết về quy định của các thị trường xuất khẩu và cuối cùng là rủi ro phát sinh từ những hạn chế trong khả năng kiểm soát các yếu tố thị trường và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu. Khi DN vi phạm quy định của thị trường xuất khẩu có thể dẫn đến bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí bỏ tù, đơn cử như đạo luật Lacey của thị trường Mỹ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Lê Huy, đại diện Hiệp hội Gỗ Bình Định, cho rằng khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, DN ngành gỗ sẽ có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, các DN này cũng sẽ đối mặt với một số rủi ro trong quá trình hội nhập. Nhưng rủi ro đối với chế biến gỗ xuất khẩu ngày càng lớn. Lớn nhất là rủi ro pháp lý; tiếp theo là năng lực cạnh tranh.

Hiện các quốc gia nhập khẩu đang ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng, hình thức sản phẩm và giá cả cạnh tranh như mọi sản phẩm khác và quan trọng nhất là đòi hỏi tính hợp pháp về nguồn gốc gỗ. Trong khi đó, Việt Nam đang nhập khẩu rất nhiều gỗ nguyên liệu từ hơn 100 quốc gia khác nhau, trong đó có những nhà cung cấp gỗ nguyên liệu có tính rủi ro cao, tính hợp pháp kém...

Ông Nguyễn Tiến Phương, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ TP.HCM chia sẻ tại hội thảo.

Cần thêm chính sách hỗ trợ?

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay không gian chính sách hỗ trợ cho các ngành sản xuất không còn nhiều. Do đó, không thể bảo hộ ngành công nghiệp bằng thuế nhập khẩu, bằng trợ cấp xuất khẩu hay những biện pháp trợ cấp cá biệt... Tuy nhiên, đối với ngành sản xuất hàng công nghiệp, vẫn có thể sử dụng công cụ bảo hộ nhất định như các biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, bảo vệ bằng hàng rào kỹ thuật áp dụng chung cho DN trong nước và DN nhập khẩu.

Về vấn đề này, ông Tô Xuân Phúc cho biết thêm, để loại bỏ rủi ro đòi hỏi ngành gỗ cần hội nhập chủ động, điều này yêu cầu nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Cụ thể, về phía DN cần tuân thủ quy định của Việt Nam, tăng cường trách nhiệm giải trình, tìm hiểu kỹ thông tin thị trường xuất khẩu, nhất là yêu cầu về mặt quy chuẩn kỹ thuật. Hiệp hội ngành gỗ phát huy vai trò là đầu mối thông tin, đặc biệt thông tin xác định rủi ro và kiến nghị các biện pháp cần thiết đối với DN và cơ quan quản lý nhằm giảm thiểu rủi ro.

Với cơ quan quản lý, cần hỗ trợ DN về thông tin thị trường và áp dụng hệ thống quản lý chuỗi cung. Ông Phúc cũng đưa ra những khuyến nghị cơ bản nhất về sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho DN, đặc biệt là hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm tiếp cận thông tin thị trường. Ông cũng đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ Hiệp hội hình thành đầu mối cập nhật thông tin về quy định của thị trường (ví dụ sử dụng kênh tham tán thương mại, xúc tiến thương mại, tiếp cận / dịch các thông tin /chính sách có liên quan và chia sẻ rộng rãi với cộng đồng DN). Bên cạnh đó, rất cần Chính phủ hỗ trợ hiệp hội tiếp cận cơ quan truyền thông để phổ cập thông tin về các quy định của thị trường đến DN.

Ông Nguyễn Tiến Phương, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ TP.HCM, cũng cho biết việc hội nhập sắp tới, đặc biệt với việc Việt Nam ký kết hàng loạt các hiệp định kinh tế với thế giới và khu vực đã mở ra cho ngành chế biến xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam những cơ hội thị trường to lớn. Tuy nhiên, Việt Nam có nắm bắt được các cơ hội này, thực hiện hóa chúng bằng tăng trưởng xuất khẩu hay không, phụ thuộc một phần lớn vào việc DN Việt Nam có thể khắc phục, kiểm soát các rủi ro đang gặp phải hay không. Ngoài ra, bên cạnh sự chủ động bắt buộc phải có, DN vẫn rất cần những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy từ phía nhà nước để giúp DN phát triển.

Hà Văn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/doanh-nghiep-che-bien-xuat-khau-go-doi-thong-tin-d48076.html